Nữ khủng bố đánh bom liều chết Fatma Al-Najar tự kích nổ gần một toán lính Israel cuối tháng 11/2006. Ảnh: Levine Heide/Sipa.
"Ám ảm về Đấng toàn năng" và sự thừa kế "một sứ mệnh cao cả" là những động cơ tâm lý có thể dẫn đến hành vi giết người, tự sát ở những kẻ khủng bố đánh bom liều chết. Trao đổi với AFP, Samuel Lepastier, bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm học kiêm giám đốc nghiên cứu tại Đại học Paris-Diderot (Pháp) nhận định một số người chạy theo phiến quân IS với mục đích tìm kiếm lẽ sống.
Sứ mệnh cao cả
Lepastier giải thích, đối với vài bạn trẻ, đó là một giải pháp, một giải pháp tồi tệ cho những xung đột bên trong. Có những người cải đạo (sang đạo Hồi) mà chưa từng bị làm nhục hay phân biệt đối xử. Họ tham gia thánh chiến vì tìm thấy lợi ích khi được kết nạp vào một hệ thống, một đội nhóm ảo tưởng trở nên quyền lực. Những người này tin mình được thừa kế sứ mệnh cao cả. Họ tìm thấy lớp vỏ để che đi nỗi sợ của bản thân.
Ông cũng đề cập đến khái niệm "lợi ích văn bia" dùng để chỉ một tín đồ không suy nghĩ theo lối "phải hoàn hảo" hay "phải loại bỏ sự khó chịu bên trong". Họ chỉ hướng đến tự thỏa mãn và bị cám dỗ bởi những hành vi bạo lực trên mọi phương diện.
Không phải cứ dùng thuốc kích thích là thành khủng bố
Theo Lepastier, dùng ma túy và chất kích thích (captagon hoặc những loại khác) không đủ để biến một người thành sát nhân hay khủng bố liều chết. "Đó chỉ là loại thuốc bổ trợ", ông nói.
Bác sĩ bổ sung, rượu có thể dẫn đến những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ. Song các vụ tấn công cần được lên kế hoạch từ trước chứ không thể nảy sinh trong chốc lát dưới tác dụng của các chất độc hại.
Vòng xoáy của giáo phái
"Thật khó khăn để chấp nhận sự tồn tại của niềm vui giết chóc. Đối với nhiều kẻ sát nhân, giết người là thú vui, chiến tranh là thú vui. Để thỏa mãn, chúng từ bỏ nhân tính", Lepastier khẳng định.
Những kẻ khủng bố chưa bao giờ có hồ sơ theo dõi tâm lý đặc biệt và Lepastier cho rằng xã hội không nên chối bỏ trách nhiệm. "Đa số những tên đánh bom liều chết còn rất trẻ. Tuy nhiên chúng ta nên nghĩ đến hiện tượng "người lớn trẻ con". Đó là những đứa trẻ trong thân xác người trưởng thành", chuyên gia giải thích. Đứng vào hàng ngũ các tổ chức giáo phái, bộ phận "người lớn trẻ con" này trở nên có trách nhiệm theo chiều hướng tiêu cực và biến lý tưởng của mình thành niềm đam mê hận thù.