Ám ảnh ngân rung nhịp phách ca trù

GD&TĐ - Trong tiết trời chuẩn bị sang xuân, tôi về làng Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Nội - ngôi làng cổ được biết đến là một trong hai làng ca trù nổi tiếng đất Bắc, không khí vui tươi và nhộn nhịp. Dừng chân trước cổng nhà nghệ nhân dân gian Bùi Thế Kiên đã nghe vang lên văng vẳng tiếng đàn lúc trầm bổng, tha thiết, lúc lại nhẹ nhàng, tinh tế... như bày tỏ nỗi lòng của nghệ nhân đàn một đời đắm đuối say mê.

Ám ảnh ngân rung nhịp phách ca trù

Sâu lắng những cung đàn

Bên ấm trà nóng, nghệ nhân Bùi Thế Kiên nhớ lại: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất là cái nôi của ca trù, nên từ nhỏ ông đã đam mê với nghệ thuật đàn. Những năm trong quân ngũ, cây đàn đã theo ông suốt chặng đường. Sau mỗi trận chiến đấu, ông lại là một người nghệ sĩ đàn mang niềm vui đến cho đồng đội.

Rời quân ngũ, những năm 1990, khi có nghị quyết Trung ương về việc phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc, ca trù trong ông được khôi phục lại, tình yêu và đam mê với ca trù như được đánh thức.

Năm 1993 CLB ca trù Hoài Đức được thành lập, ngôi nhà cổ của ông trở thành điểm sinh hoạt văn hóa ca trù. Những người say mê với ca trù tập trung từ sáng tới tối tại nhà ông.

Người chơi đàn đáy gọi là kép, đánh trống là quan viên, hát gọi là ca nương. Trên chiếu hát, ca nương là tâm điểm thu hút sự chú ý của người nghe nhưng thực tế họ chỉ là học trò của kép đàn. Mỗi làn điệu có nét đặc trưng và độ khó khác nhau.

Các ca nương học hát ca trù đều phải học thuộc ca đàn, chủ yếu học truyền miệng. Với những môn nghệ thuật khác như Chèo, Huế, Quan họ, Hát văn, Xẩm có thể học qua băng đĩa nhưng với ca trù người học buộc phải được truyền nghề mới có thể nắm bắt được qui luật và những bí quyết này.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Trăn trở, đam mê với cung đàn, nghệ nhân Bùi Thế Kiên cùng những người đam mê ca trù thành lập CLB ca trù Ngãi Cầu với tâm nguyện lớn nhất là làm sao lưu lại được tiếng đàn cho đời, giữ được lửa ca trù cho thế hệ sau.

Câu lạc bộ sinh hoạt có lúc đông lúc vắng, bởi học trò của CLB có nhiều lứa tuổi khác nhau, già có, trẻ có. Có buổi các cháu nhỏ đi học thì chỉ có người lớn cùng sinh hoạt; khi ngày nghỉ thì học trò trẻ đông hơn.

Nghệ nhân Bùi Thế Kiên cho biết, những ngày hè, ông thường mở lớp học ngay tại nhà miễn phí cho các em nhỏ. Thế nhưng để duy trì được lớp học, ông phải đi vận động bố mẹ các em, rồi vận động và khuyến khích các em. Mỗi ngày, thầy giáo già sắp bước vào tuổi 70 lại ngồi chờ mong ngóng lũ trẻ trong thôn đến học, chỉ với niềm đam mê là truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Không phụ lòng đam mê truyền nghề cho thế hệ trẻ, trong số các học trò theo học đàn của ông, có 3 học sinh ở phường đi hát đều đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật ca trù toàn quốc. Năm 2014, tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc do Học viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức, CLB có 4 đào nương và tốp múa Tùng Chi, đào nương Khánh Linh đã đoạt giải cao.

Năm 2016 CLB tham dự liên hoan ca trù tài năng trẻ toàn quốc, có 3 ca nương tuổi đời từ 15 - 16 thi hát với kép đàn Bùi Thế Kiên và trống trầu Bùi Thế Dũng được giải Khuyến khích.

Vào những ngày thường, khi các trẻ trong làng đến trường học, nghệ nhân lại sang làng bên đi dạy ở CLB Miêu Nha (xã Tây Mỗ). Đây là CLB do địa phương thành lập, kinh phí địa phương tự túc; họ đóng góp mời thầy về dạy chỉ duy nhất là vì đam mê ca trù. Ở CLB ca trù này không phân biệt tuổi tác, già có, trẻ có, có khi là bà đưa cháu đi, rồi cháu cũng say mê và theo học.

Truyền dạy bằng đam mê

Vẫn ngày ngày làm bạn với cây đàn đáy, nhớ từng câu hát ca trù, nghệ nhân Bùi Thế Kiên tâm sự: “Cứ vận động được người ta yêu thích là vui rồi. Chỉ mong làm sao càng nhiều người biết đàn, biết hát ca trù, càng tốt. Như vậy ca trù mới phát triển được, mới giữ được nghiệp tổ tiên. Đó mới là điều quan trọng”.

Ðến nay, ở độ tuổi không còn mấy sung sức, nghệ nhân vẫn tâm huyết, miệt mài hoàn thiện giáo trình đào tạo ca trù do mình soạn thảo. Nghệ nhân hy vọng, với giáo trình này, việc truyền dạy sẽ bài bản hơn, người học sẽ có phương pháp tiếp thu và thực hành dễ dàng.

Mới đây, cùng 51 nghệ nhân của lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội, nghệ nhân Bùi Thế Kiên đã được Hội đồng thẩm định thành phố đưa vào danh sách đề nghị Bộ VH,TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2018.

Thế nhưng, nghệ nhân trăn trở rằng, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng đến nay các nghệ nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Về phong tặng danh hiệu, cần được một chính sách đãi ngộ đặc biệt để họ có thể giữ lại và truyền cho những thế hệ tiếp theo những gì quý giá, đẹp đẽ nhất của hòn ngọc Ca trù. Chứ đừng để sau này người ta không còn biết đến nó là cái gì, hoặc như một thứ nghệ thuật chắp vá. Những miếng vá không lành.

Ngày xưa ca trù được hát trong các lễ hội của làng, hát ở cửa đình. Vào mồng 8, 9 tháng Giêng hàng năm, làng Ngãi Cầu tổ chức hội làng. Tiếng đàn đáy trầm đục, sâu và đầy ám ảnh ngân rung hòa cùng tiếng phách chộn rộn lòng người. Những âm thanh đã truyền lại qua biết bao thế hệ, những cung bậc như thách thức thời gian, thách thức những thể loại âm nhạc du nhập. Nó cứ văng vẳng thế khiến người nghe như bị cuốn vào một dòng chảy tinh khiết, xa xôi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ