Ám ảnh chiến tranh qua ký ức trẻ thơ trong “Những nhân chứng cuối cùng”

GD&TĐ - Nhân dịp thiếu nhi 1/6, NXB Phụ nữ giới thiệu cuốn sách “Những nhân chứng cuối cùng” - quyển thứ hai trong loạt 5 quyển sách “Những giọng nói không tưởng” đã mang đến cho nhà báo, nhà văn Svetlana Alexievich giải Nobel văn học 2015.

Nhà văn Svetlana Alexievich.
Nhà văn Svetlana Alexievich.

Khi nói về một bản hợp xướng thông thường, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một phức hợp bốn bè bao gồm các giọng nữ cao (Soprano), nữ trầm (Alto), nam cao (Tenor) và nam trầm (Basso). Cố gắng tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ được nghe thêm một giọng descant – giọng solo cao hơn tất cả các bè còn lại và thường sẽ có tác dụng đối nghịch về hòa âm nhằm tạo hiệu ứng nổi bật cho tổng phổ - dành cho giọng nữ cao hoặc trẻ em.

Như vậy, liệu có phải đây là một sự trùng hợp khi Svetlana Alexievich viết ra bộ 5 quyển Những giọng nói không tưởng, mỗi quyển là một bè giai điệu mà trong đó: “Những nhân chứng cuối cùng” là một đối âm được cất lên từ những em bé vốn phải nghe hai từ chiến tranh trước khi có thể hiểu được tường tận ý nghĩa của nó?

Dịch giả Phan Xuân Loan cho biết, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Ba Lan (năm 2013), nữ nhà văn cho biết, ý tưởng viết “Những nhân chứng cuối cùng” xuất phát từ chính những chuyến đi thực tế để tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách đầu tiên “Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ".

Khoảng 100 câu chuyện trong quyển sách, mỗi câu chuyện được kể từ những người lớn vốn chỉ là những đứa trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 14 khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đem lại cho người đọc những mảnh kí ức rất khác về một cuộc chiến mà trước đó thế giới chỉ được nghe kể qua những giọng trưởng thành – những cô gái chàng trai tuổi yêu, những bậc cha mẹ có con cái xung phong ra mặt trận, những cựu chiến binh và tù nhân chiến tranh – những giọng nói trầm mặc, dày dạn, nặng trĩu cuộc sống người lớn.

Với những em bé, chiến tranh mang những màu sắc và âm thanh khác hẳn: Sinh động và đơn giản, rực rỡ và khó quên. Có em nhớ về màu của lửa khi cả làng bị cháy, có em lại nhớ về sự im lặng của những chú chó khi chủ của chúng đang lẩn trốn trong khu rừng sau nhà.

Bìa cuốn sách.
Bìa cuốn sách.

Nhưng tất cả đều nhớ đến hai từ Chiến tranh hoặc âm thanh của từ ấy mà không thể không nghĩ tới một tuổi thơ bị tước đi quá sớm hoặc đẩy quá nhanh vào tương lai, nơi mà các em phải làm quen với sự xê dịch không ngừng, bị chia cắt với cha mẹ và bạn bè, tìm lấy sự thương xót và hơi ấm từ những con người xa lạ.

Tương tự như những cuốn sách khác, bà đã dành hàng tiếng đồng hồ trò chuyện cùng những nhân chứng, có khi vài ngày, rồi sau đó bà sẽ xé nó ra, lược bỏ những tạp âm, và giữ lại những gì mà bà đánh giá rằng tinh tuyền nhất, trong trẻo nhất cho dàn đồng ca nhí của mình.

Khi viết về những số phận này, Svetlana không chỉ đơn giản đưa người đọc quay lại một sự kiện lịch sử quen thuộc xưa như trái đất; bà như một người đãi cát tìm vàng, đi tìm kiếm những gương mặt ngoài lề, lắng nghe những giọng nói yếu ớt, và nhào nặn nó thành một bức tượng đứng đối mặt với người đọc, như thể muốn nói rằng: “Còn tụi con nữa, tụi con cũng cần được ngắm nhìn và lắng nghe".

Quả thực, việc đọc và cảm nhận sự hồi sinh của những giọng nói bị quên lãng trong thời chiến là một thách thức không nhỏ đối với những thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình. Những giọng nói ấy hồn nhiên và đau đớn đến xé lòng, gây bức bối và ám ảnh, nhưng dù có bị phủ lấp bởi lớp lớp ý thức hệ và thời gian, những giọng nói ấy vẫn ở đó, vẫn khao khát được lắng nghe.

Theo Kafka Bookstore

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ