Ám ảnh cấp cứu “ma men” bị tai nạn giao thông dịp lễ 30/4

GD&TĐ - Vào kỳ nghỉ lễ vừa qua, đã có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông. Đau xót hơn, ngày nào cũng có bệnh nhân tử vong hoặc xin về do chấn thương quá nặng không thể cứu chữa. 

Ám ảnh cấp cứu “ma men” bị tai nạn giao thông dịp lễ 30/4

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 40 Sở Y tế và một số bệnh viện Trung ương, trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 27/4 đến 1/5, cả nước có 273.876 ca khám, cấp cứu.

Trong đó, đã có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 28% tổng số ca khám và cấp cứu trong dịp này.

Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trong những ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày cơ sở tiếp nhận 150 trường hợp cấp cứu, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận 1.396 lượt cấp cứu, giảm 2,8% so với kỳ nghỉ lễ năm trước. Trong số này có 353 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Số bệnh nhân phải phẫu thuật cấp cứu tăng gần 10%, do chấn thương nặng.

Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện.
Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện.

Là cơ sở đầu ngành trong cấp cứu ngoại khoa nên trong những ngày nghỉ, cường độ làm việc của các y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức càng "căng" hơn ngày thường. Mỗi kỳ nghỉ dài lại là nỗi ám ảnh của các bác sĩ vì tình trạng tai nạn giao thông tăng cao. Nhiều ca tai nạn xảy ra do lái xe không làm chủ tốc độ vì bia rượu.

Bác sĩ Bùi Trung Nghĩa - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Cùng một mức độ thương tổn, nhưng bệnh nhân uống rượu bia, việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn.

Các ca tai nạn giao thông được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức thường là những ca tai nạn rất nặng nề, trên đường quốc lộ, cao tốc do tốc độ lái xe nhanh nên khi xảy ra va chạm gây chấn thương rất nặng cho nạn nhân.

Rất nhiều trường hợp đưa đến cấp cứu là thanh niên, với nồng độ cồn trong máu cao, bị các chấn thương nặng như đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương đùi, cột sống, hàm mặt.

Để công tác phẫu thuật nhanh chóng, Bệnh viện Việt Đức đã mở thêm một bàn phẫu thuật tại khu chấn thương. Riêng ngày 30/4, bệnh viện đã mổ 42 ca chấn thương và trong 1/5, có 6 trường hợp chấn thương sọ não, 5 trường hợp chấn thương do tai nạn lao động chờ mổ.

Theo bác sĩ Nghĩa, trong số những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông hầu hết ở độ tuổi lao động, nhiều trường hợp trong số này là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu bia hoặc trước đó có sử dụng rượu bia.

Trong ngày 29/4, đã có 6 trường hợp tử vong hoặc tình trạng nặng không có khả năng cứu chữa được gia đinh xin về. Tình trạng này cũng diễn ra khoảng 4 trường hợp trong ngày 27 - 28/4.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân làm theo động tác tay để kiểm tra các chức năng cơ thể sau chấn thương. Ảnh: Dương Ngọc.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân làm theo động tác tay để kiểm tra các chức năng cơ thể sau chấn thương. Ảnh: Dương Ngọc.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bênh, con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu bia đều ở mức cao, trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động.

Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng, theo GDP năm 2017). Do vậy các chuyên gia y tế cảnh báo biện pháp giảm thiểu việc sử dụng rượu, bia là khẩn thiết nhằm giảm thiểu hàng trăm nghìn vụ tai nạn giao thông mỗi năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.