Điều này đang là thực tại, một sự thật mà tôi đang phải chứng kiến hàng ngày và đối mặt với nó.
Bố "lột" quần mẹ trước mặt cháu, con trai
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, 3 năm trước tôi kết hôn và có một cậu con trai được gần 2 tuổi.
Ngày tôi còn bé, bố tôi cũng thường xuyên đánh mẹ mỗi khi không hài lòng về một việc gì đó và lúc đó tôi cũng còn quá nhỏ để hiểu hết được những hành động của bố mình. Hơn hết, cũng chẳng có ai giải thích để tôi hiểu vì sao khi mẹ tôi bị đánh đến ngất đi trên nền gạch, thì bố lại bỏ đi.
Lớn lên, tôi đi lấy chồng. Sau tôi còn một em trai nữa. Bố tôi già đi nhưng ông vẫn thường xuyên đánh đập mẹ. Bố trở nên cáu bẳn và rất hay quát tháo.
Nhiều hôm bố say khướt và nôn mửa. Không chỉ vậy, cứ ngứa ngáy chân tay là ông lại đập phá. Khi thì bát đũa, bàn ghế, khi thì nồi cơm điện, đèn bàn học… Đồ đạc trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Nhà đã nghèo, lại càng thêm túng quẫn khi bố tôi không còn đi làm nữa mà chỉ biết ở nhà đập phá.
Mỗi lần bố đánh là một lần mẹ tôi đau đến cháy da cháy thịt. Bà chỉ biết bặm chặt môi để hứng chịu những trận đòn roi vô cớ của chồng.Đặc biệt, ông rất ghét tiếng trẻ con khóc. Cứ mỗi lần tôi gửi con xuống cho mẹ trông là một lần mẹ tôi bị ăn đòn.
Không chỉ là đánh, đấm, bố còn hắt cả chậu nước lạnh vào người mẹ và hắt cả vào con trai tôi. Lúc đó mẹ tôi bế cháu lên thì bố tôi lại lột quần mẹ rồi lấy tuýp nước định chọc vào vùng kín của mẹ ngay trước mặt em trai tôi.
Thời gian tiếp tục trôi qua trong sự cam chịu của mẹ tôi. Tôi thương mẹ và không thể nào nhịn nhục, chấp nhận hành vi của bố nữa. Tôi phải làm gì? Tôi không muốn viết đơn gửi phường, nhưng qua tất cả những vụ việc trên thì tôi không thể chịu nhịn bố được nữa.
Đó là những hành động bạo lực!
Theo luật sư Nguyễn Anh Tú, Văn phòng luật sư Tuệ Anh, qua những thông tin mà chị cung cấp thì có thể nhận thấy một điều rằng bố chị thường xuyên có hành vi đánh đập chửi bới mẹ chị. Những hành vi này là những hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21/11/2007.
Theo quy định của Điều luật thì những hành vi được coi là hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng…”. Và đây cũng là các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 của Luật này.
Bố chị thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đối với mẹ chị và chưa từng bị một cơ quan có thẩm quyền xử lý một lần nào, do vậy để bố chị có thể nhận ra được hành vi vi phạm pháp luật của bản thân, từ đó sửa chữa, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật thì không có cách nào khác là gia đình chị phải nhờ tới sự can thiệp của chính quyền.
Việc bảo vệ người bị bạo lực gia đình và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình đã được quy định rất rõ trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng như những văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này; Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này; Các quyền khác theo quy định của pháp luật…”
Còn đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Với những quy định hết sức rõ ràng của Luật Phòng chống bạo lực gia đình như trên thì gia đình bạn nên cân nhắc để sớm có hành động nhằm chấm dứt hành vi bạo lực gia đình của bố bạn.
Còn theo Luật sư Nguyễn Hải Lăng, mục đích của hôn nhân theo K3Đ2 Luật HNGĐ 2014 là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con.
Thực tế hôn nhân của bố mẹ chị không đạt được kết quả như mong muốn. Bố chị luôn đánh đập mẹ chị. Nếu như bố chị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này và hậu quả của hành vi gây ra dù chưa nghiêm trọng thì vẫn cấu thành tội “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 151 Bộ Luật HS 1999 có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đủ ba năm hoặc bị phạt từ ba tháng đến ba năm.
Hành vi lột quần mẹ trước mặt con chị và em trai chị là đã cấu thành tội ”làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 Bộ Luật HS 1999 có khung hình phạt cao nhất là “bị phạt từ một năm đến ba năm”.
Theo tôi, chị nên yêu cầu họ hàng nội ngoại hai bên can thiệp, nhờ tổ dân phố góp ý để bố chị thay đổi, sửa chữa. Nếu không được chị có thể khuyên mẹ nên nộp đơn ra TAND để tiến hành thủ tục ly hôn.
Đồng thời làm đơn tố cáo các hành vi của bố chị ra cơ quan cảnh sát điều tra để cơ quan pháp luật tiến hành xử lý theo luật định,