Ai nỡ vứt rác khi sân trường luôn sạch!

GD&TĐ - “Không ai nỡ vứt rác hay bẻ cành, hái hoa khi sân trường sạch bóng. Cảm giác góp phần giúp trường học sạch đẹp hơn khiến em luôn phấn khích mỗi sáng tới trường” - lời tâm sự của một học sinh tiểu học cho thấy hiệu quả giáo dục đạo đức, bắt đầu từ những tưởng như thật nhỏ - trực nhật, lao động tại trường.

Học sinh Trường tiểu học Đức Thắng số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chăm sóc cây cảnh trong sân trường
Học sinh Trường tiểu học Đức Thắng số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chăm sóc cây cảnh trong sân trường

Tìm thấy niềm vui trong lao động

Tại Trường tiểu học Đức Thắng số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang), việc trực nhật, lao động của học sinh thực sự đã đi vào nền nếp và có hiệu quả và gần như không cần đến sự nhắc nhở của các thầy cô giáo.

Nguyễn Thùy Dương - học sinh lớp 5D - khi được hỏi cho biết em và các bạn thực sự hứng thú với những buổi lao động, trực nhật tại trường.

“Em cùng với các bạn trong lớp, vừa làm vừa nói chuyện rất vui. Các bạn hỗ trợ lẫn nhau, mỗi người một việc, bạn này hướng dẫn bạn kia để cùng hoàn thành công việc. Sau khi làm xong thấy lớp học, sân trường sạch sẽ thấy trường học đáng yêu hơn.

Nhờ những buổi lao động ở trường, em đã biết quét sân, quét nhà, biết dọn dẹp vệ sinh, trang trí góc học tập và tự làm một số đồ dùng từ những đồ vât cũ, bỏ. Em đã biết trồng cây, biết chăm sóc cây xanh tốt. Em thích nhất khi được mọi người khen: “Bạn này giỏi ghê! đi học rồi có khác, cái gì làm cũng khéo".

Tham gia các hoạt động tập thể em thấy rất vui và sảng khoái giúp học tập tốt hơn. Em và các bạn, chẳng ai nỡ vứt rác hay bẻ cành, hái hoa khi sân trường lúc nào cũng sạch đẹp” - Dương vui vẻ nói.

Chia sẻ hoạt động trực nhật, lao động, vệ sinh tập thể cho học sinh trong nhà trường được duy trì thường xuyên, cô Nguyễn Thị Vân Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Thắng số 1 - cho biết: Hội đồng tự quản của học sinh chủ động phân công nhiệm vụ cho các bạn trực nhật, dọn vệ sinh, chăm sóc cây và hoa trong sân trường, lớp học hàng ngày. Mỗi lớp học đều có góc thiên nhiên với những chậu hoa cây cảnh luôn được các em chăm, tưới xanh tốt.

Liên đội nhận chăm sóc một di tích lịch sử địa phương. Hoạt động lao động vệ sinh trong trường được chia các cấp độ khác nhau (theo khối lớp) để đảm bảo tính phù hợp, vừa sức, giúp các em không thấy sợ lao động mà thấy niềm vui.

Cụ thể như ở khối lớp 4,5, sáng thứ hai hàng tuần luân phiên theo lịch quét dọn ngõ xóm (từ ngoài trục đường chính vào tới cổng trường 1 lần/tháng, cả giáo viên và học sinh cùng thực hiện).

“Ngày chủ nhật xanh” tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; chăm sóc, vệ sinh di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ của địa phương 1 lần/2 tháng...

Riêng đối với các em học bán trú: Lớp 1,2,3 xếp bàn ghế phòng ăn ngay ngắn, bát ăn xong phải tự để đúng khu vực đã quy định, chia gối trước khi đi ngủ và cất gối sau khi ngủ dậy.

Lớp 4,5 lau dọn vệ sinh phòng ăn, chia cơm cùng các cô, gấp chăn sau khi ngủ dậy. Ngoài ra các em thường xuyên được tự quản và chủ động phân công nhau trang trí, giữ gìn lớp học của mình luôn xanh - sạch - đẹp hàng ngày.

Các hoạt động lao động, vệ sinh góp phần quan trọng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực
Các hoạt động lao động, vệ sinh góp phần quan trọng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

Tạo ý thức lao động bền vững, lâu dài

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ: Qua thực tế nhà trường, có thể nói, việc rèn cho học sinh thói quen nền nếp trực nhật, lao động tập thể giúp các em yêu lao động, hiểu và có trách nhiệm với bản thân, với tập thể. Ngoài ra còn rèn nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau để làm xong nhanh nhất.

Các em thực hiện một cách chủ động, ý thức tự giác được nâng lên rõ rệt và đều nhận thức được cần làm sạch, làm đẹp nơi mình học. Hiện tượng xé giấy, vở, vất giấy, rác bừa bãi trên sân trường không hề có. Rác được các em bỏ vào thùng rác trong trường.

Vì tự tay chăm sóc cây trong trường nên không có em nào tự ý dẫm chân hay bẻ cành hái lá bừa bãi. Nhờ đó môi trường sư phạm luôn xanh- sạch- đẹp. Học sinh thêm yêu trường, yêu lớp.

Thông qua việc tổ chức cho học sinh tham gia đa dạng các hoạt động lao động, vệ sinh góp phần quan trọng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo yêu cầu đánh giá của Thông tư 22.

Song, cô Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng, để có tính bền vững, lâu dài, ý thức trách nhiệm không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà còn rộng khắp tới gia đình và cộng đồng cần có sự phối hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: Gia đình - nhà trường - xã hội.

“Để làm tốt điều đó, nhà trường sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể địa phương vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh việc tuyên truyền cần phân công nhiệm vụ cụ thể, có kiểm tra đôn đốc kịp thời công tác vệ sinh môi trường nhằm nâng cao ý thức của mọi người dân” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Thắng số 1 cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ