Ai là triệu phú? là sân chơi truyền hình được nhiều khán giả yêu thích. Với người dẫn chương trình thú vị - nhà báo Lại Văn Sâm - sân chơi này mang lại nhiều kiến thức bổ ích.
Tuy nhiên, chương trình cũng từng xuất hiện không ít tình huống gây tranh luận trên mạng xã hội, nhất là về người chơi.
Dùng trợ giúp ngay câu hỏi đầu tiên
Cộng đồng mạng hiện chia sẻ phần thi của Ai là triệu phú phát sóng ngày 26/4/2016.
Người chơi tên Tiền (26 tuổi, kỹ sư hóa dầu đến từ Bình Định) sử dụng sự trợ giúp từ khán giả ngay ở câu hỏi đầu tiên: "Đâu là tên một loại mũ? A: Lưỡi hái, B: Lưỡi trai, C: Lưỡi lê, D: Lưỡi rắn".
Người chơi phân vân và nhờ khán giả tại trường quay trợ giúp. 100% khán giả chọn đáp án đúng là “B: Lưỡi trai”. Anh Tiền đã vượt qua câu này và tiếp tục tham gia chương trình.
Phần thi của kỹ sư hóa dầu khiến dân mạng tranh luận. Bên cạnh ý kiến cho rằng chàng trai Bình Định thiếu kiến thức cơ bản, một số người bênh vực anh. Họ cho rằng mỗi vùng miền có một cách gọi riêng. Việc không biết "mũ lưỡi trai" là bình thường.
Giáo viên không biết "ông Địa" trong trò chơi dân gian
Giáo viên Ngữ văn không biết đáp án câu hỏi trên. Ảnh cắt từ clip.
Trong chương trình phát sóng tối 1/11, người chơi Nguyễn Thị Hoa (25 tuổi, giáo viên ở Quảng Ninh) không biết đáp án cho câu hỏi: "Ông Địa thường xuất hiện trong trò chơi dân gian nào?". Chị dùng quyền trợ giúp hỏi ý kiến khán giả và vượt qua câu hỏi thứ năm.
Trên mạng xã hội, nhiều người nhận định hình ảnh ông Địa gắn liền tuổi thơ của trẻ em Việt Nam, hầu như ai cũng biết. Người chơi là giáo viên dạy Ngữ văn nên việc không biết câu trả lời được cho là phổ thông này khiến nhiều bạn bất ngờ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng ngồi trên "ghế nóng", trước máy quay, người chơi dễ mất bình tĩnh và luống cuống, không phải ai cũng làm chủ được tình huống.
Người chơi và tất cả khán giả trợ giúp chọn đáp án sai
Tin tưởng khán giả, chị Thu phải ra về với phần thưởng 2 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip.
Tại chương trình phát sóng ngày 6/5/2014, chị Phạm Thị Thu phải sử dụng cả 3 sự trợ giúp ở câu hỏi thứ tám: "Tên ngọn núi Đambri hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên có ý nghĩa gì?".
Sau khi phân vân, người chơi quyết định gọi điện cho người thân, trợ giúp 50/50 và từ phía khán giả tại trường quay. 100% khán giả chọn phương án D (chung thủy).
Dù vẫn nghi ngờ, chị Thủy nghe theo tư vấn của khán giả. Sau đó, MC Lại Văn Sâm thông báo đó không phải câu trả lời đúng. Khán giả tại trường quay đã trả lời sai câu này. Chị Thủy phải dừng cuộc chơi và về nhà với giải thưởng 2 triệu đồng.
Cụ ông 78 tuổi hóm hỉnh
Cụ Đặng Thiêm (78 tuổi) đến từ Hà Nội không chỉ xuất sắc trong phần trả lời của mình mà còn khiến khán giả cười nghiêng ngả vì sự hóm hỉnh.
Trong chương trình phát sóng hôm 1/10/2013, cụ vượt qua 11 câu hỏi, giành giải thưởng 30 triệu đồng.
Ở câu hỏi thứ chín, cụ Khiêm nhờ sự trợ giúp từ tổ tư vấn, trong đó có cháu ngoại mình. Đáp án của cháu ngoại cụ chọn lại khác của 2 người còn lại. Cụ nghe theo sự trợ giúp của cháu gái với lý do: “Nếu có sai về nhà đánh cháu cũng được”.
Trong phần thi này, khán giả được chứng kiến một người chơi có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực và lối nói chuyện rất dí dỏm, hài hước.
Chàng trai chiến thắng nhờ... tin nam giới
Người chơi vượt qua mốc quan trọng trong câu hỏi số 10 tại chương trình. Ảnh cắt từ clip.
Chương trình phát sóng tối 30/7/2013, anh Tiến Thực nói: "Trong những giờ phút quyết định, tôi ít niềm tin vào phụ nữ".
Hai người trợ giúp đầu tiên là phụ nữ và đều chọn phương án A (thậm chí người thứ hai còn quả quyết đây là đáp án chính xác vì đã đọc tiểu thuyết này tới ba lần). Người trợ giúp cuối cùng là nam giới chọn phương án B.
Sau một hồi suy nghĩ, anh Thực kết luận "Trong giờ phút quyết định, tôi ít niềm tin vào phụ nữ hơn" và chọn đáp án B. Đây chính là đáp án đúng của chương trình. Người dẫn chương trình cũng phải thốt lên rằng: "Tôi ngưỡng mộ bạn".
Nhiều cư dân mạng sau đó chia sẻ clip về phần thi này và gọi anh là "thanh niên chuẩn 2013". Vượt qua câu hỏi trên, người chơi cầm chắc phần thưởng trị giá 22 triệu đồng.