Ai là nạn nhân?

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ hôm 17/9, với việc áp đặt mức thuế 10% vào khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.   

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây thiệt hại cho cả chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa của MarketWatch
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây thiệt hại cho cả chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa của MarketWatch

Một số thiết bị cộng nghệ tiêu dùng được đưa ra khỏi danh sách áp thuế, thế nhưng dư luận Mỹ vẫn dấy lên lo ngại rằng, không phải Trung Quốc, mà chính Mỹ mới là phía chịu thiệt hại đầu tiên, nhất là các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các tín đồ iPhone tạm yên tâm

Trong tuyên bố về vòng thuế mới, Tổng thống Trump đồng thời cảnh báo rằng nếu Trung Quốc có hành động trả đũa chống lại nông dân hoặc các ngành công nghiệp Mỹ, “chúng tôi sẽ ngay lập tức theo đuổi giai đoạn ba, đó là áp thuế nhập khẩu khoảng 267 tỷ USD”.

IPhone không nằm trong số các sản phẩm “nguy cơ cao” mà Apple nói với các nhà quản lý sẽ bị ảnh hưởng bởi vòng thuế 200 tỷ đô la trong thư bình luận ngày 5/9 cho các quan chức thương mại. Kể cả nếu chính quyền Trump thực hiện thêm một loạt thuế quan trị giá 267 tỷ đô la hàng hóa như cảnh báo đi kèm trong vòng thuế mới, bao phủ tất cả các hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn lại từ Trung Quốc, thì iPhone và các đối thủ cạnh tranh của nó cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Việc thu thuế theo danh sách mới dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 24/9, nhưng phải đến cuối năm 2018 mới tăng tỷ lệ lên 25%, cho phép các công ty Mỹ có thời gian điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia thay thế.

Cánh cửa vẫn để ngỏ

Leo thang thuế quan của Trump đối với Trung Quốc xuất phát sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để giải quyết những khác biệt thương mại rơi vào bế tắc. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin tuần trước đã mời các quan chức hàng đầu Trung Quốc tham gia một vòng đàm phán mới, nhưng cho đến nay không có gì được lên kế hoạch.

“Chúng tôi đã rất rõ ràng về loại thay đổi cần phải được thực hiện và chúng tôi đã cho Trung Quốc mọi cơ hội để đối xử với chúng tôi công bằng hơn” - ông Trump nói trong tuyên bố của mình - “Nhưng, cho đến nay, Trung Quốc đã không muốn thay đổi hành động của mình”.

Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng, Hoa Kỳ đã mở cửa để đàm phán thêm với Bắc Kinh, nhưng không đưa ra chi tiết ngay lập tức khi có bất kỳ cuộc họp mới nào có thể xảy ra.

Chưa cần đến vòng thuế quan mới, nền kinh tế Trung Quốc đã bước đầu gánh chịu hậu quả. Kể từ sau vòng thuế quan đầu tiên (với mức áp thuế 50 tỷ USD hồi tháng 6), đồng nhân dân tệ của nước này đã giảm khoảng 6,0% so với USD. Ngay trước khi Nhà Trắng công bố tăng cường cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã thề sẽ trả đũa thêm nữa chống lại bất kỳ mức thuế mới nào của Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, khác hẳn so với đợt áp thuế đầu, đã đồng loạt kêu gọi Bắc Kinh có động thái, đồng thời cũng mở ra các tranh luận về một cuộc “phản công” tích cực.

Liều lĩnh và gây tổn hại lâu dài?

Trước khi thông qua gói thuế quan mới của ông Trump, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã loại bỏ 297 danh mục sản phẩm khỏi danh sách thuế đề xuất, cùng với một số tập hợp các danh mục khác, nhưng các quan chức chính quyền cho biết tổng giá trị của danh sách sửa đổi vẫn là “khoảng 200 tỷ USD”.

Danh mục thiết bị kết nối Internet trị giá chừng 23 tỷ đô la sẽ vẫn chịu thuế quan; nhưng một số sản phẩm công nghệ, như đồng hồ thông minh (chẳng hạn Apple Watch hay Fitbit Watch), thiết bị Bluetooth và các sản phẩm công nghệ tiêu dùng khác cũng được loại ra khỏi danh sách sau một thời gian dài “thấp thỏm”. Các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, được sản xuất tại Trung Quốc, chẳng hạn như mũ bảo hiểm xe đạp được bán bởi Vista Outdoor (VSTO.N) và ghế ngồi và xe chơi trẻ em từ Graco Inc (GGG.N) cũng được loại khỏi danh sách…

Khá nhiều mặt hàng đã được loại trừ so với danh sách đề xuất, nhưng vẫn không khiến các hãng công nghệ và các nhóm bán lẻ yên tâm. Họ lập luận rằng thuế quan sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng.

“Quyết định của Tổng thống Trump áp đặt thêm 200 tỷ USD là liều lĩnh và sẽ gây tổn hại lâu dài cho các cộng đồng trên toàn quốc” - Dean Garfield, Chủ tịch Hội đồng Công nghệ thông tin, đại diện cho các công ty công nghệ lớn cho biết; đồng thời cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và đang gây thiệt hại cho cả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ (RILA) cũng đã chỉ ra rằng giá cước mới sẽ tăng vọt đối với hàng loạt mặt hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc. Chẳng hạn cước mới đối với các lò nước gas từ Trung Quốc sẽ đạt trị giá hơn một tỷ USD; cước hành lý sẽ là 843 triệu USD, túi du lịch trị giá 825 triệu USD và các máy hút bụi trị giá 1,9 tỷ USD.

Đại diện của RILA cho biết: “Thuế quan là một khoản thuế đối với các gia đình Mỹ qua mọi thời kỳ. Người tiêu dùng Mỹ cũng như nông dân Mỹ - không phải Trung Quốc - sẽ chịu gánh nặng của các mức thuế này. Chúng ta sẽ thấy những tác động có hại của sự trả đũa trở nên tồi tệ hơn”.

Tuy vậy, sự cứng rắn của ông Trump lại nhận được sự ủng hộ của giới chính khách Mỹ, kể cả từ đảng Dân chủ. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa thì kêu gọi chính quyền Trump kết nối đàm phán với Trung Quốc để giải quyết những khác biệt về thương mại, đồng thời hoan nghênh lập trường cứng rắn của Trump về các hoạt động thương mại và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, vốn bị cho là làm tổn hại nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ