Vừa đón đám cưới vàng kỷ niệm 50 năm ngày cưới, bà giáo Hường (72 tuổi) cho biết một trong những bí quyết khiến vợ chồng bà vẫn trìu mến gọi nhau là anh - em, vẫn lãng mạn làm thơ tình tặng nhau là bởi chồng chẳng bao giờ quan tâm đến việc chi tiêu trong nhà. Làm được bao nhiêu lương, ông đưa về cho vợ tất và để bà quyết định tất cả mọi chi tiêu.
Vợ giữ tất cả lương vợ chồng, tự quyết việc ăn mặc, chi tiêu hàng ngày cho gia đình cũng là kinh nghiệm quản lý quản tài chính suốt 28 năm qua của bà Trần Thị Kim Lan, cán bộ hưu trí quận 5. Muốn mua sắm một món đồ nào đó, bà đều bàn bạc với chồng.
Chính nhờ tiền được quy về một mối mà gia đình bà đã có thể mua được căn nhà trả góp trong 8 năm, cuộc sống gia đình trên dưới thuận thảo, con cái thành đạt.
Bà cho rằng, chồng phải tin tưởng thì mới để vợ giữ tiền, vì thế vợ càng phải chi tiêu thế nào cho xứng đáng với sự tin tưởng ấy. Tín nhiệm khả năng quản lý chi tiêu của mẹ, giờ đây cậu con trai 26 tuổi đi làm về cũng đưa lương cho bà giữ.
Cuộc hôn nhân trải qua cả ba thời kỳ bao cấp, quá độ và đổi mới, vợ chồng bà Nguyễn Thị Sâm (cán bộ hưu trí, quận 5) cũng thống nhất quan điểm lương thưởng bao nhiêu, chồng mang hết về cho vợ.
Đến bây giờ, bà vẫn còn nhớ rõ mức lương ngày mới cưới, chồng đưa vợ là 51 đồng, 6 hào. Khi đó ông là một thượng sĩ trong quân đội, đi từ đơn vị về nhà khá tốn kém.
Vợ chồng bà sống cùng bố mẹ chồng ở quê, đất rộng nhưng lại không tạo ra thành quả kinh tế. Thời kỳ khó khăn rồi cũng qua đi nhờ vợ chồng cùng có trách nhiệm với gia đình. Cầm tiền trong tay nhưng bà không phân biệt đối xử nội ngoại, bên nào khó khăn thì giúp.
Gần 40 năm trong hôn nhân, thỉnh thoảng vợ chồng bà cũng cãi nhau nhưng toàn vì các vấn đề thời sự xã hội, còn tiền bạc thì chưa bao giờ là vấn đề khiến họ phải mâu thuẫn.
Chia sẻ tại tọa đàm về kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình nhân dịp 20/10, nếu những người lớn tuổi đánh giá cao phương án vợ giữ tiền để "dễ thống nhất trong chi tiêu, tránh tình trạng vung tay quá trán của các ông chồng; thì các cặp đôi trẻ tuổi nhận lương qua thẻ ATM lại thích chọn cách vợ chồng tự giữ tiền và lập một tài khoản chung.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tú mới kết hôn được hai năm và chưa có con, rất hài lòng với phương án 3 tài khoản trong nhà. Chồng là kiến trúc sư, vợ làm ở một cơ quan nhà nước, cả hai đều có lương và độc lập tự chủ về kinh tế.
Cả hai tự quản lý tài chính của bản thân nhưng luôn công khai thu nhập với nhau. Họ mở một quỹ chung để phục vụ cho các khoản chi tiêu trong gia đình, không cào bằng mà tùy thuộc vào mức thu nhập của mỗi người.
Thời kỳ mới "góp gạo thổi cơm chung", hai vợ chồng chưa quen với việc đóng góp nên đã cùng nhau ghi chép những chi phí hàng ngày để cuối tháng có được một con số tương đối.
Ngoài những khoản chi tiêu hàng ngày, với những món chi phát sinh bất ngờ, vợ chồng đều bàn bạc và thống nhất với nhau trước khi quyết định xuất quỹ.
Chưa kết hôn nhưng đôi bạn trẻ Giang (27 tuổi) và Mai Hằng cũng đã có những suy nghĩ về vấn đề tài chính trong gia đình. Cả hai đều đồng ý vợ chồng nên thống nhất các khoản chi tiêu với nhau. Cô gái quan niệm phụ nữ hiện đại nên độc lập về tài chính, có một khoản tiền để dành nhất định trước khi nghĩ đến việc lập gia đình.
Khi kết hôn, vợ chồng tự chủ về tài chính, mỗi người vẫn giữ một khoản riêng và có một khoản chung cho gia đình nhỏ của mình. Chàng trai bổ sung thêm, khoản chung ấy nên do người vợ nắm giữ vì đàn ông thường chi tiêu thoáng hơn phụ nữ, phụ nữ tiêu pha có tính toán hơn.
Thạc sĩ Hà Trung Thành (giảng viên trường Cán bộ TP HCM) nhận xét, trong các gia đình truyền thống, các ông chồng đa số đưa hết lương về cho vợ. Bản thân gia đình ông cũng vậy. Ông đưa thẻ ATM lương cho vợ giữ và ông cảm thấy vui vì điều đó.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai vẫn nhớ, trong một buổi chia sẻ cách đây hơn 10 năm, tất cả những người tham dự đều ủng hộ việc vợ giữ tiền trong nhà.
Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi, người lao động không nhận lương bằng tiền mặt mà chuyển sang thẻ ATM, thế hệ trẻ tiếp nhận văn hóa phương Tây nên mô hình nhiều tài khoản trong gia đình được áp dụng nhiều hơn.