Ai chịu trách nhiệm từ quyết định “nguy hiểm” của Hải Phòng?

Ai chịu trách nhiệm từ quyết định “nguy hiểm” của Hải Phòng?

Giữa mùa dịch, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngành kinh doanh vận tải đang tìm đủ mọi cách chống đỡ để vượt qua khủng hoảng.

Thế nhưng, trong những ngày gần cuối đợt thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố, ký một văn bản được nhiều doanh nghiệp vận tải đánh giá là thiếu thực tế, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 8/4, Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký văn bản số 2577 yêu cầu: "Từ 11/4, các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ chỉ cho phép xe vận tải của Hải Phòng ra vào thành phố khi có giấy xác nhận theo quy định".

Các doanh nghiệp vận tải choáng váng. Hải Phòng là thành phố cảng, cũng là địa phương hiếm hoi ở miền Bắc có đủ 5 loại hình vận tải từ hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng hải. Nhu cầu vận tải, thông thương hàng hóa từ Hải Phòng đi Hà Nội và các tỉnh khác cực lớn.

Việc hạn chế xe vận tải hàng hóa là đi ngược lại hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Việc cấm xe ngoại tỉnh chở hàng hóa ra vào thành phố cảng lại càng không hợp lý.

Trên thực tế, một văn bản được ban hành trong "phòng lạnh" đã cho thấy sự bất cập khi áp dụng trong cuộc sống.

Hai ngày sau, trước phản ánh của doanh nghiệp, Hải Phòng có công văn hỏa tốc gia hạn đến ngày 12/4 mới thực hiện chủ trương này.

Thời gian quá gấp gáp, để xin được giấy xác nhận ra vào thành phố, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn con người phải chạy đôn đáo đủ 3 cửa: Công an phường là đơn vị cấp giấy xác nhận doanh nghiệp đóng trên địa bàn; UBND quận ký xác nhận; Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt ký giấy xác nhận cho phương tiện ra vào thành phố.

Một doanh nghiệp than với báo chí khổ sở như xin "giấy phép con" trong khi hiện tại xe tải ra vào thành phố đã thực hiện phun khử trùng, khai báo y tế, khai báo lịch trình vận chuyển đúng quy định.

Nhiều người đến làm thủ tục bất bình khi người dân toàn thành phố, thậm chí người dân cả nước đang chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đảm bảo khoảng cách giao tiếp thì ngay tại trụ sở cơ quan công quyền cấp giấy xác nhận vận tải, không hề có các biện pháp tối thiểu đảm bảo an toàn cho người tới làm thủ tục.

Không có thông báo, không hướng dẫn, không cả nước sát khuẩn trong khi việc chen lấn khai báo giấy tờ, dùng chung bút, xếp hàng làm hồ sơ vô cùng hỗn loạn.

Đến sáng 11/4, khi quy định xe tải ra vào thành phố phải có giấy xác nhận chỉ còn 24h nữa là có hiệu lực nhưng chưa thể đủ điều kiện thực thi, nguy cơ cao làm đình trệ vận tải, ách tắc hàng hóa, UBND Hải Phòng lại buộc phải phải ban hành văn bản số 2671 thông báo tạm dừng cấp giấy xác nhận và kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa.

Như vậy, chỉ sau 3 ngày, từ 8 đến 11/4, Hải Phòng đã ban hành 3 văn bản với 3 cấp độ khác nhau, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thậm chí gây hậu quả xấu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Câu chuyện ở Hải Phòng cần được xem là bài học không chỉ cho tỉnh này và còn cho các địa phương khác trong việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Nhận thấy, có sự hiểu sai tinh thần Chỉ thị 16, ngày 4/4, Văn phòng chính phủ đã có văn bản yêu cầu các tỉnh thành đảm bảo thông suốt vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa bàn mình không đúng Chỉ thị 16.

Thận trọng là cần thiết nhưng không thể là "bế quan toả cảng", gây phiền hà cho doanh nghiệp, thêm nguy cơ phát tác các ổ bệnh.

Không ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát phương tiện, Hải Phòng lại mọc thêm các "cửa" cấp "giấy phép con" khiến doanh nghiệp mất công, mất tiền, mất của thực hiện, trong khi đó, các cơ quan thực thi bỏ biết bao công sức triển khai, còn hiệu quả là số không.

Việc "nay ban hành, mai sửa, ngày kia tạm dừng" cho thấy sự vội vã trong quyết định của thành phố.

Cần nhớ, khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hàng hóa của Việt Nam qua cửa khẩu, hàng ngàn xe tải phải xếp hàng cây số ở cửa khẩu, gây ách tắc nền kinh tế. Để giải quyết, Chính phủ hai nước đã phải đưa ra nhiều giải pháp để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa thông thương hàng hóa.

Còn ở đây, Hải Phòng lại tự "bế quan tỏa cảng", gây khó cho chính các doanh nghiệp mà đáng ra họ rất cần được hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn này.

Chưa kể, nhìn vào cảnh chen chúc nhau làm giấy xác nhận ở Hải Phòng, nếu có chuyện không may xảy ra, trong đám đông có nguồn lây nhiễm bệnh thì hậu quả còn tới mức nào?

Và những quyết định hao tiền, tốn của, gây hoang mang cho doanh nghiệp như vậy, ai chịu trách nhiệm(!?).

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ