9X Đắk Lắk giành học bổng thạc sĩ 50% ba trường ĐH tại Anh

Mỹ Ngọc cho biết, sau 6 năm du học, cô ngày càng tự lập, mạnh mẽ hơn, không còn tiểu thư như khi sống cùng bố mẹ.

9X Đắk Lắk giành học bổng thạc sĩ 50% ba trường ĐH tại Anh
9X Đắk Lắk giành học bổng thạc sĩ 50% ba trường ĐH tại Anh ảnh 19X Đắk Lắk giành học bổng thạc sĩ 50% ba trường ĐH tại Anh ảnh 29X Đắk Lắk giành học bổng thạc sĩ 50% ba trường ĐH tại Anh ảnh 3
Vũ Thị Mỹ Ngọc (sinh năm 1990, quê Đắk Lắk) hiện theo học thạc sĩ Tài chính tại ĐH Nottingham Trent, Vương quốc Anh. Cô từng được nhiều người biết đến khi là một trong những thí sinh nổi bật ở cuộc thi Miss du học sinh Việt 2015.

Sở hữu thành tích học tập nổi bật

Mỹ Ngọc cho biết, cô từng có thời gian sinh sống tại Mỹ và giành học bổng của ĐH DePaul, ĐH Loyola - hai trường có xếp hạng cao ở quốc gia này. Sau đó, 9X vào ĐH DePaul và tốt nghiệp loại giỏi.

Khi lên thạc sĩ, Ngọc tiếp tục nhận được học bổng 50% của ba trường đại học tại Anh là Nottingham Trent, Bournemouth và Sheffield Hallam. "Mình quyết định học ở Nottingham vì đây là quê hương của Robin Hood, nhân vật hồi bé mình rất thích" - nữ du học sinh chia sẻ.

Ngọc tiết lộ, mọi người thường nhận xét cô là người đa nhân cách - lúc rụt dè, khó tiếp xúc, lúc lại vui vẻ, dễ gần và cởi mở.

9X không có bí quyết học tập cụ thể. Với Ngọc, đi du học nhằm mở mang kiến thức, chứng minh được bản thân, không phải để đua đòi.

Khi ở Mỹ, cô gái sinh năm 1990 từng được mời tham gia vào Tau Sigma Honor Society - hội bao gồm các thành viên được đề cử hàng năm nhờ thành tích học tập nổi bật. Bên cạnh đó, Mỹ Ngọc còn sở hữu thêm chứng chỉ Bloomberg - hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên về Tài chính, chứng khoán.

Ngọc tiết lộ, cô hiện tự học ôn CFA (chứng chỉ do tổ chức chuyên nghiệp về Tài chính và Kinh tế xã hội thế giới cấp) để có thể tham gia kỳ thi vào tháng 6/2016.

Nhạy bén với các con số từ nhỏ

Mỹ Ngọc chia sẻ, sở dĩ cô chọn theo học ngành Tài chính vì từ nhỏ đã khá nhạy bén và yêu thích những con số.

"Mình tính toán rất nhanh. Năm học cấp 1, mình thường xung phong trả lời các câu hỏi liên quan đến bộ môn này. Mẹ kể, lúc sinh nhật một tuổi, mọi người tặng mình rất nhiều đồ chơi. Song giữa đống búp bê, bánh kẹo hấp dẫn, mình lại chọn hộp học đếm số” - 9X nói.

Tuy nhiên, đến khi học ở Mỹ, câu hỏi của một giáo sư tại đây mới thực sự "thức tỉnh" khả năng về số học của Ngọc.

“Vào năm nhất đại học, thầy giáo bắt đầu bài giảng bằng cách viết một dãy số lên bảng và hỏi cả lớp xem chúng thể hiện điều gì? Có rất nhiều bạn trả lời đây là ngày tháng, số tài khoản ngân hàng, biển xe, số an sinh xã hội, số điện thoại...

Lúc đấy, mình đã giơ tay và phát biểu rằng: “Theo em, muốn hiểu rõ ý nghĩa của các con số này, trước tiên chúng ta phải đặt chúng vào hoàn cảnh hoặc tình huống nhất định, sau đó mới đưa ra giả thiết phù hợp”.

Thầy giáo rất hài lòng về câu trả lời và từ đấy rất hay chia sẻ với mình tài liệu liên quan đến bí ẩn của các con số” - 9X kể.

Đến nay, khi học thạc sĩ Tài chính tại Anh, cô gái quê Đắk Lắk vẫn thể hiện khả năng đặc biệt của mình với các con số thông qua bảng thành tích học tập xuất sắc mà cô có được.

Tự lập hơn khi đi du học

Sống xa nhà từ năm 18 tuổi, Mỹ Ngọc cũng như những du học sinh khác đã gặp khá nhiều bỡ ngỡ tại nơi đất khách quê người.

Ngọc kể, trong 3 tuần đầu tiên sang Mỹ, cô vấp phải khó khăn khi nghe người bản địa nói chuyện. Ngoài ra, vấn đề ăn uống, văn hoá và thức ăn bên đó cũng rất khác với Việt Nam. Dù chuẩn bị tâm lý khá kĩ, cô vẫn không thể ăn hàng ngày bánh mỳ và pho mai.

9X cho biết, cô nhớ nhất lần đầu tiên làm việc nhóm với các bạn đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Phần Lan trong môn Tài chính doanh nghiệp.

"Khi đó, 4 người với nhiều nền văn hóa khác nhau khiến chúng mình gặp khá nhiều bất đồng và căng thẳng. Mình thật sự nghĩ mọi việc sẽ không thể giải quyết nhưng cả nhóm đã ngồi lại, nói chuyện để thấu hiểu nhau hơn. Cuối cùng, chúng mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành bạn tốt" - cô gái sinh năm 1990 chia sẻ.

Với Ngọc, đó là ký niệm khó quên, giúp cô trưởng thành, biết quan tâm tới suy nghĩ của những người xung quanh và tự lập hơn, không còn "tiểu thư", được chiều chuộng như khi ở nhà cùng bố mẹ.

Nói về dự định sắp tới, cô gái quê Đắk Lắk tâm sự, dù môi trường ở Anh và Mỹ rất tốt, cô vẫn muốn trở về Việt Nam lập nghiệp bằng những kiến thức đã trau dồi được trong vòng 6 năm qua.

Theo Zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ