(GD&TĐ) - Các phương tiện vận chuyển ra đời và phát triển tương ứng với sự phát triển của đời sống văn minh. Qua thế kỷ 21, nhân loại vẫn chưa thỏa mãn với những gì đang có, họ đang nuôi nhiều ý tưởng độc đáo và đầy sức sáng tạo để mọi người ngày càng cảm thấy thoải mái hơn, nhanh chóng hơn trong việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Xin giới thiệu dưới đây một số ý tưởng như thế.
1) Túi đeo lưng phản lực cá nhân (Personal Jet Pack)
Cách đây hơn 50 năm, một phi công tên Harold “Hal” Graham đã điều khiển một “dây đai phản lực” nặng 63,5 kg do hãng Bell Aerosystems chế tạo và bay được 34 mét, “ở một độ cao được tính bằng … centimét”, như cách diễn tả về sau của Robert D. Roach, kỹ sư về phản lực làm tại hãng Bell.
Ngày nay, giấc mơ dây đai phản lực sử dụng cho cá nhân vẫn còn tồn tại. Bức ảnh cho chúng ta thấy một người đeo túi phản lực đang bay cao bên trên thành phố Denver, bang Colorado (Mỹ). Đó là thành quả sáng tạo của công ty Jetpack International, với ba kiểu sản phẩm cùng có trọng lượng 81,50 kg. Kiểu thứ nhất chỉ dành cho những phi công được huấn luyện đặc biệt, có thể bay ở độ cao 76 m, vượt một lộ trình 18 km, trong thời gian ước chừng 9 phút. Hai kiểu còn lại chỉ dành làm mẫu thử, vận hành bằng hydrogen peroxide.
2) Xe tự hành (Self-Driving Car)
Mục đích chính của việc sản xuất xe tự hành nhằm giúp người sử dụng đỡ căng thẳng và việc di chuyển trên xa lộ nhanh chóng hơn. Nhiều sản phẩm đã được các công ty Google, BMW, Volvo, General Motors và trường Đại học Stanford thử nghiệm, đa số có hình thức giống như các xe có người điều khiển thông thường. Song doanh nghiệp thiết kế mẫu xe Mike & Maaike ở San Francisco (Mỹ) lại muốn đưa ra một ý tưởng độc đáo. Họ giới thiệu một kiểu xe tự hành có tên Atnmbl, chữ tắt của từ “autonomobile” (autonomy + automobile), gồm 7 chỗ ngồi, có tay lái, bàn đạp thắng và ghế ngồi cho tài xế (dự phòng). Xe Atnmbl sẽ vận hành bằng cả điện lẫn năng lượng mặt trời, dự kiến đưa ra thị trường vào năm… 2040.
3) Chim hải âu nhẹ như tơ (Gossamer Albatros)
Đây là loại hình phương tiện vận chuyển không cần đến máy móc, chỉ dùng sức người là chính. Được hãng DuPont tài trợ, nhà phát minh Paul MacCready đã chế tạo chiếc máy bay nhẹ với kết cấu là các ống làm bằng sợi carbon, gỗ balsa, chất liệu Mylar, Kevlar, dây kim loại… Trong khoảng những năm 1959-1980, ông chế tạo hàng loạt máy bay vận hành bằng sức người và năng lượng mặt trời; riêng năm 1971, ông thành lập công ty Aero Vironment ngày nay chuyên về hệ thống máy bay không người lái và thiết bị sạc điện cho ô tô chạy điện. Gần đây, chiếc Hải Âu của ông đã bay được hơn 36km trong thời gian gần 3 giờ, khai mào cho những ý tưởng độc đáo hơn nữa trong tương lai.
4) Xe một đường ray Shweeb (Shweeb monorail)
Cuối thập niên 1800, một hệ thống chuyên chở được mang ra thử nghiệm ở bang New Jersey (Mỹ). Nó có dạng một chiếc xe đạp lộn ngược gắn vào một đường ray dài 2,9 km để có thể di chuyển nhanh và êm ái hơn so với những chiếc xe đạp bình thường. Gần đây hơn, ý tưởng về xe một đường ray đạp bằng sức người được công ty Shweeb tái hiện tại một công viên giải trí ở New Zealand. Tháng 9.2010, tập đoàn Google đã đầu tư 1 triệu USD để tài trợ cho việc khai triển rộng rãi hơn hệ thống này trong môi trường đô thị. Giống như chiếc xe đạp một đường ray cách nay hai trăm năm, sáng kiến của Shweeb nhằm giảm thiểu sức cản khi bánh lăn bằng cách tạo “một chiếc bánh xe vững chắc trên một đường ray kiên cố”. Mẫu mới của Shweeb cũng giảm thiểu được sức cản của gió bằng cách đặt người sử dụng trong một phòng nhỏ hình viên đạn với hai chân đưa về phía trước. Công ty Shweeb đang tích cực thực hiện dự án này để “cho ra một cái gì đó” vào cuối năm 2012.
5) Máy bay trực thăng kiểu Leonardo da Vinci (Leonardo’s da Vinci helicopter)
Trong cuộc trưng bày tại Phòng triển lãm Mỹ thuật thành phố Sofia (Bulgaria), khách tham quan nhìn thấy lại mô hình nổi tiếng của một loại máy bay đã được danh họa Leonardo da Vinci phác họa vào năm 1493. Chiếc cánh quạt được thiết kế như một “con quay hồi chuyển”. Tuy nhiên, mô hình máy bay này còn cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa, vì theo “Ủy Ban một trăm năm chuyến bay của Mỹ”, sức mạnh của cơ bắp không thể đủ để vận hành có hiệu quả một chiếc máy bay trực thăng.
6) Xe “Dymaxion” hạng nhẹ (Lightweight “Dymaxion car”)
Một căn nhà, một bản đồ, một phòng tắm, và một chiếc xe: đó là những ứng dụng mà nhà phát minh Buckminster Fuller đã xếp đặt trong chiếc Dymaxion (Dynamic Maximum Tension) do ông thiết kế. Chiếc xe Dymaxion chúng ta thấy trong ảnh có 3 bánh, được trưng bày tại Hội chợ Quốc tế Chicago năm 1933, có khung bằng thép và gỗ màu tro bọc nhôm. Tuy nhiên, trong một cuộc biểu diễn, một tài xế xe Dymaxion đã bị tử nạn khi đâm vào một xe khác và điều này đã khiến cho các doanh nhân có khả năng đầu tư đâm ra hoảng sợ và mẫu thiết kế ít có hi vọng được chế tạo rộng rãi. Theo Chris Gerdes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Ô tô thuộc trường Đại học Stanford (Mỹ), việc sản xuất loại ô tô nhẹ rất quan trọng nhằm tiết kiệm nhiên liệu và đưa loại hình ô tô chạy điện vào sử dụng một cách hiệu quả.
7) “Xe buýt Hiệp sĩ” Harry Potter (Harry Potter “Knight Bus”)
Đây là loại xe buýt có ba tầng, hành khách có thể mua sô-cô-la nóng hay bàn chải đánh răng ngay trên xe. Theo các nhà thiết kế, dịch vụ viễn tin (telematics) là một trong những nét đặc sắc của “Xe buýt Hiệp sĩ” có thể lấp đầy khoảng trống giữa xe buýt và xe taxi, đặc biệt tại nông thôn. Ngày nay, nhiều xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên hoặc kết hợp khí và điện, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại đô thị cũng như nông thôn
8) Con diều có dây kéo của hãng Skysails (Skysails Towing Kite)
Đối với hãng Skysails trụ sở đặt tại Hamburg (Đức), những cánh diều khổng lồ bay cao là cơ sở của một dự án đầy tham vọng nhằm chuyển đổi nền công nghiệp vận chuyển đường biển. Hãng này đang có một ngân quỹ 67,6 triệu USD để đầu tư cho dự án chế tạo các con diều tự động với dây, cần điều khiển… có thể bay ở độ cao 800 mét phía trước tàu để tạo ra sức đẩy khiến con tàu di chuyển. Hiện có không đến 10 chiếc tàu đang được ứng dụng công nghệ này. Tận dụng sức đẩy của gió, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch là bước đi quan trọng của một ngành công nghiệp đã “đóng góp” đến 3,3% tổng số khí thải carbon dioxide toàn cầu.
9) Tàu hỏa chạy trên đệm từ (Maglev Train)
Từ Maglev xuất phát từ cụm từ Magnetic Levitation, là loại tàu hỏa siêu tốc ra đời từ thập niên 1900, vận hành bằng cách dùng từ trường nâng bổng đoàn tàu lên khỏi đường ray. Không có sự ma sát giữa bánh và đường ray, chi phí bảo trì sẽ giảm xuống, tàu sẽ chạy nhanh hơn so với những tàu hỏa thông thường. Công nghệ này đang được ứng dụng trong đời sống với những dự án biểu diễn tại Đức và Nhật Bản. Riêng Trung Quốc thì từ năm 2004, sau hai năm thử nghiệm, thành phố Thượng Hải đã đưa vào sử dụng đoàn tàu chạy trên đệm từ, nối liền sân bay với khu thương mại của thành phố. Hiện nay, một trong những trở ngại của phương tiện vận chuyển đầy sức hấp dẫn này là chi phí đầu tư. Năm 2008, chính phủ Đức đã hủy bỏ dự án thiết lập một tuyến tàu hỏa sử dụng đệm từ trên một lộ trình dài 40 km, vì lý do kinh phí. Tuy nhiên, loại hình vận chuyển này vẫn chưa hết sức hấp dẫn, vì Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng một tuyến tàu hỏa chạy trên đệm từ dài 515 km với kinh phí 111,4 tỉ USD, phần lớn chạy dưới đường hầm.
LÊ NGUYỄN (Theo National Geographic)