1. Dỗ trẻ bằng cách rung lắc
Theo The Health Site, khi cố gắng dỗ trẻ ngủ hay nín khóc, nhiều bậc cha mẹ thường rung lắc bé, thậm chí rất mạnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã cảnh báo tuyệt đối không được rung lắc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Thời điểm này, cổ của bé yếu, não bộ chưa hòa thiện và còn mềm, rung lắc nhiều sẽ dẫn đến chấn thương não do các mạch máu bị vỡ, chưa kể nhiều bệnh khác như lồng ruột.
2. Cho bé vừa ngủ vừa bú
Cho bé ngủ với một bình sữa có thể làm mòn men răng còn yếu của trẻ. Đó là lý do gây bệnh sâu răng phổ biến ở nhiều trẻ nhỏ. Ngoài ra, nhiều bà mẹ cũng thường cho bé bú mẹ để dỗ bé ngủ, điều này cũng không hề tốt cho trẻ.
3. Cho ăn dặm quá sớm
WHO khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì hệ thống miễn dịch, tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ để dung nạp thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Bạn có thể cho bé uống thêm sữa công thức, tuy nhiên cần hạn chế vì nó có thể gây nhiễm trùng đường ruột hoặc các vấn đề về tiêu hóa.
4. Cho trẻ uống nước quá sớm
Không bao giờ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước là cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng. Sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho trẻ trong thời gian này.
Nếu trẻ uống thêm nước có thể dẫn đến dư thừa nước, làm loãng nồng độ natri trong cơ thể, mất cân bằng điện giải và gây sưng phù, nhiễm độc nước.
5. Pha loãng sữa công thức
Nhiều bà mẹ thường pha loãng sữa công thức vì nghĩ rằng làm vậy trẻ sẽ hấp thụ và tiêu hóa dễ hơn. Nhưng thực tế là cách pha chế sữa công thức mà nhà sản xuất đưa ra đã cung cấp đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Pha loãng sữa sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng đó, không tốt cho trẻ.
6. Cho bé nằm sấp
Không bao giờ được cho trẻ nằm sấp, úp bụng, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) do đường dẫn khí bị tắc.
7. Cho trẻ sơ sinh nằm gối
Nhiều bà mẹ thích cho con nằm gối vì sợ con bị đau đầu. Tuy nhiên, nằm gối lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì trẻ sơ sinh chưa ý thức được hành động của mình, các bé có thể nằm úp mặt vào gối, tăng nguy cơ ngạt thở, đột tử.
Ngoài ra, hộp sọ trẻ sơ sinh còn mềm, các khớp xương chưa khép kín, nằm gối có thể chèn ép và làm biến dạng hộp sọ.
8. Để bé khóc lâu
Khóc có thể là hình thức giao tiếp, biểu hiện nhu cầu, một cơn giận hay một nhu cầu tâm sinh lý mà trẻ muốn bố mẹ hiểu. Nếu bạn không an ủi, dỗ bé có thể gây ra nhiều chấn thương về mặt tinh thần tới trẻ.
9. Buộc bé tập đi sớm
Nhiều cha mẹ cố gắng cho trẻ tập đi quá sớm, nhưng điều này có thể gây tổn thương cho xương hông. Ngoài ra, dắt trẻ tập đi còn làm trật các khớp xương của bé.