9 lý do lạc quan trước biến đổi khí hậu năm 2018

GD&TĐ - Khi viễn cảnh ảm đạm của khí hậu địa cầu trong tương lai gần đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia thì vẫn có những tín hiệu tích cực để hy vọng khí hậu Trái đất sẽ không xấu hơn trong năm 2018. 9 xu hướng và sự kiện sau đây sẽ chứng minh cho sự lạc quan này. Đây cũng là những bước chuyển cần thiết trong hành động toàn cầu: Không làm cho khí hậu tệ hơn.

9 lý do lạc quan trước biến đổi khí hậu năm 2018

1. Trung Quốc đạt được tiến bộ về chống ô nhiễm

Trung Quốc là nước tung nhiều khí CO2 nhất lên bầu trời. Tiêu thụ than vẫn tiếp tục tăng tại nước này. Tuy nhiên, năm 2018, chính phủ Trung Quốc hứa chi 361 tỉ USD vào năng lượng sạch, trong đó có việc loại bỏ dần xe hơi dùng xăng dầu, đóng cửa dần hàng trăm nhà máy dùng than và trợ vốn cho những công ty chuyển sang mô hình sản xuất giảm khí thải. “Chống thay đổi khí hậu để giàu hơn và mạnh hơn” là khẩu hiệu mới của công nghiệp hóa tại Trung Quốc.

2. Năng lượng sạch lấn lướt dần nhiên liệu trầm tích

Năng lượng sạch đã có cuộc bứt phá ngoạn mục trong năm 2017. Một phần là do giá cả, khi năng lượng gió và mặt trời ngày càng rẻ hơn xăng dầu. Năm 2016, 2/3 lượng điện năng cung cấp thêm cho thế giới đến từ các loại năng lượng sạch. Giá mua cũng thấp kỷ lục tại Argentina, Chile, Ấn Độ, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác.

3. Năng lượng sạch không bị ảnh hưởng bởi luật thuế mới vừa thông qua tại Mỹ

Chính quyền Trump không hề phản bác năng lượng sạch, dù nghi ngờ về nguyên nhân thay đổi khí hậu. Tại những bang “đỏ” Texas, Iowa, và Kansas, năng lượng sạch bùng nổ, tạo nên hàng trăm ngàn công việc mới. Luật thuế mới được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua cũng không tăng thuế với các công ty sản xuất năng lượng sạch.

4. Kỹ nguyên của xe hơi chạy xăng gần kết thúc

Đa số xe hơi lưu thông trên đường hiện nay vẫn dùng xăng và dầu diesel. Nhưng năm 2017 có nhiều tín hiệu cho thấy đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ hãng Volvo công bố kế hoạch chỉ bán xe hơi điện và xe hơi “lai” vào năm 2019 mà còn một số công ty khác. Trung Quốc cũng sẽ cấm hoàn toàn xe hơi chạy xăng dầu. Có một nhận định chung trong giới kinh doanh xe hơi hiện nay là kỹ nghệ sản xuất xe hơi đang thay đổi nhanh. Kỷ nguyên xe hơi dùng xăng dầu sắp kết thúc và xe hơi điện, xe tự hành sẽ chiếm lĩnh thị trường.

5. Cử tri bầu nhiều hơn những chính trị gia chống thay đổi khí hậu

Năm 2017 vẫn là năm tốt nhất của những người theo xu hướng cực hữu chống nhập cư tại châu Âu. Nhưng có bằng chứng là họ đang xuống sức để nhường chỗ cho các chính trị gia quan tâm đến môi trường và thay đổi khí hậu. Dự báo nhiều ứng viên đảng Dân chủ Mỹ thiên về thay đổi khí hậu sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Còn nhớ, nghị sĩ Doug Jones thắng ở bang Alabama trong cuộc bầu cử năm 2016 là nhờ hứa sẽ có những ý kiến mạnh mẽ về nóng lên toàn cầu tại nghị trường.

6. Nhiều nhà đầu tư thoái vốn khỏi các công ty khai thác và sản xuất xăng dầu

Năm 2017 đã xuất hiện phong trào kêu gọi các nhà đầu tư thoái vốn khỏi các công ty khai thác, sản xuất xăng dầu và các ngân hàng tài trợ cho nó. Hồi đáp khá tích cực. Cộng đồng da đỏ bản xứ đã áp lực chính quyền các thành phố như Seattle và Santa Monica rút hàng tỉ USD khỏi các ngân hàng tài trợ cho dự án đường ống Dakota Access Pipeline. Tháng 11 qua, quĩ đầu tư 1.000 tỉ USD của chính phủ Na Uy đã rút 35 tỉ USD ra khỏi các dự án năng lượng bẩn khiến cổ phiếu dầu hỏa tại châu Âu bị xuống giá. Các quĩ tương tự với tổng trị giá 5.000 tỉ USD tại châu Âu cũng có hành động tương tự.

7. Thêm nhiều vụ kiện liên quan đến thay đổi khí hậu

Kiện chính phủ và các công ty là thủ phạm gây ra thay đổi khí hậu là điều khó, vì phía bị kiện có nhiều lý lẽ biện minh. Nhưng thời gian gần đây, số vụ kiện loại này ngày càng nhiều. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ) và LHQ cho biết số vụ kiện liên quan có yếu tố thay đổi khí hậu đã tăng gấp 3 từ 2014 trong đó có 654 vụ tại Mỹ.

8. Các bang và thành phố của Mỹ tăng tốc nghị trình chống thay đổi khí hậu.

Khi Thống đốc bang California, Jerry Brown đến Trung Quốc, dự hội nghị năng lượng vào đầu năm 2017, ông có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cũng gặp các viên chức Trung Quốc cấp bộ. Tại Mỹ, trong năm 2017, nhiều bang như California có nghị trình riêng về thay đổi khí hậu, khi chính quyền liên bang phủ nhận cách giải thích nguyên do thay đổi. Các thành phố cũng thế. Nhờ vậy mà Mỹ vẫn đáp ứng được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, dù chính quyền Trump rút lui.

9. Các công ty dầu hỏa lo lắng về tương lai

Giám đốc điều hành của công ty Shell (Hà Lan) bất ngờ dự đoán vào thámg 7.2017 nhu cầu dầu khí toàn cầu sẽ lên đến đỉnh và bắt đầu xuống nhanh trong 10 năm sau đó, do nhiều người quay sang dùng các loại năng lượng sạch. Công ty Statoil đặt câu hỏi về tương lai của kỹ nghệ dầu hỏa khi nó không thể tiếp tục mở rộng. Các công ty khác như Chevron bác bỏ dự báo về “đỉnh cao tiêu thụ dầu hỏa” và khẳng định nhu cầu sẽ giảm từ bây giờ.

Theo The Atlantic Unbound

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.