8,7 triệu lao động nông thôn được học nghề

GD&TĐ - Sau 9 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, từng bước tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này. Trong đó, vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam được đánh giá là quan trọng và nòng cốt.

Đào tạo nghề trồng nấm cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề trồng nấm cho lao động nông thôn

Phát huy vai trò Hội Nông dân

Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động xây dựng và chỉ đạo triển khai chương trình phối hợp công tác giữa 2 cơ quan từ Trung ương tới địa phương.

Hội Nông dân được giao nhiệm vụ và kinh phí từ Đề án 1956 để chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân; phối hợp và trực tiếp dạy nghề cho khoảng 1 triệu người. Việc tổ chức dạy nghề cho nông dân đã được triển khai gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Mục tiêu tổng quát của công tác đào tạo nghề thời gian tới sẽ tập trung vào nghề phi nông nghiệp cho LĐNT đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các khu vực phi nông nghiệp. Đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận LĐNT để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại… 

Số người đăng ký học nghề tăng nhanh qua các năm, đã có 8,7 triệu LĐNT được học nghề, trong đó 4,8 triệu người được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định 1956, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp.

Người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ... chuyển sang học để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu.

Thống kê cho thấy, trên 80% LĐNT sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều; thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp, chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại; số người sau học nghề được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm hoặc thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp còn ít; chương trình đào tạo chưa chú trọng trang bị các kiến thức về vốn, thị trường, sản xuất kinh doanh cho người học.

Nâng cao hiệu quả đào tạo

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp hết sức quan trọng là tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của nông dân, của cán bộ Hội Nông dân.

Phát huy vai trò chủ thể, nông dân phải được đào tạo, ứng dụng được kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế để gia tăng năng suất, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội. Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt, cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phải có kiến thức, kỹ năng để tư vấn, định hướng và tập hợp hội viên, chuyên nghiệp trong nghề nghiệp của mình.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phát huy vai trò của các cấp hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm là: Đánh giá Chương trình phối hợp công tác giữa 2 ngành giai đoạn vừa qua, xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023;

Xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ Hội Nông dân các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân; tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp hội trong hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ