8 tính năng còn xa lạ với những chiếc smartphone 10 năm trước

Hẳn bạn sẽ thấy thú vị với 8 điểm khác biệt giữa những chiếc smartphone thời điểm năm 2005 so với các thế hệ smartphone ngày nay.

8 tính năng còn xa lạ với những chiếc smartphone 10 năm trước

Dù một số mẫu smartphone từ thế kỷ trước đã được coi là tuyệt phẩm công nghệ, nhưng rõ ràng không có mẫu nào trong số chúng có thể so sánh với một chiếc máy tính. Còn ở thời điểm hiện tại, danh giới giữa smartphone và máy tính đã trở nên hết sức mờ nhạt: màn hình có độ phân giải cao hơn, chipset mạnh mẽ hơn, bộ nhớ dồi dào hơn cho phép những chiếc smartphone hiện tại có thể đảm đương gần như mọi công việc mà một chiếc máy tính có thể thực hiện. Còn 10 năm trước thì sao?

10 năm trước, dòng điện thoại được mệnh danh là “điện thoại thông minh” (smartphone) chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, khi mà doanh số bán ra kém xa dòng điện thoại nghe gọi. Chỉ đến đầu năm 2013, doanh số bán smartphone toàn cầu mới vượt qua được doanh số của dòng điện thoại cơ bản. Bên cạnh độ phổ biến, thiết kế và tính năng của những chiếc smartphone những năm 2005 cũng rất khác so với ngày nay.

1. Màn hình cảm ứng đa điểm

Ngày nay, thật khó mà tưởng tượng ra một chiếc smartphone không có màn hình cảm ứng – điều mà 10 năm trước là một chuyện hết sức bình thường. Người dùng điện thoại thời đó vẫn quen với việc sử dụng bàn phím vật lý và hệ thống phím cứng để tương tác với điện thoại. Chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu màn hình cảm ứng được giới thiệu vào năm 2005. Thiết bị này sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung với độ chính xác không cao và cũng không hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Phải đến tháng 1/2007, công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm mới xuất hiện trên sản phẩm bom tấn của Apple - đó chính là chiếc iPhone đời đầu.

2. Camera có khả năng cạnh tranh với máy ảnh compact

Chất lượng hình ảnh và video mà camera trên smartphone tạo ra đã có những bước đột phá đáng nể trong thập kỷ vừa qua. Vào năm 2005, những chiếc camera cao cấp nhất xuất hiện trên những mẫu điện thoại của Nokia như Nokia N90 và Nokia N70, với các tính năng “thời thượng” ở thời điểm đó: cảm biến 2MP với khả năng chụp các bức ảnh có độ phân giải 1600 x 1200 pixel và quay video 352x288 pixel. Chất lượng này rõ ràng không thể sánh được với những chiếc camera bấm-chụp thời bấy giờ. Còn ở hiện tại, chất lượng ảnh mà nhiều smartphone chụp được không hề thua kém những chiếc máy ảnh compact hiện đại nhất. Chất lượng quay video cũng đã có những cải tiến vượt bậc, khi mà tính năng quay video 4K đang dần đổ bộ trên nhiều dòng máy cao cấp hiện nay.

3. Kết nối tốc độ cao

Khi công nghệ 3G lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2005, nó có 2 chuẩn chính là CDMA2000 và UMTS với tốc độ truyền tải dữ liệu chỉ đạt vài MB mỗi giây. Chiếc điện thoại đầu tiên đạt chuẩn HSDPA là Samsung SCH-W200 được giới thiệu vào năm 2006. Hiện tại, nhờ công nghệ LTE và chipset tương thích LTE, các smartphone đã đạt tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến hàng trăm MB mỗi giây (ít nhất là trên lý thuyết).

4. Bộ nhớ dồi dào

Vào năm 2005, được trang bị nhiều hơn 1GB bộ nhớ trong là mơ ước cao sang đối với một chiếc smartphone. Người dùng smartphone thời đó vẫn phải “chịu đựng” những chiếc smartphone có bộ nhớ trong tối đa là 128MB. Những chiếc thẻ nhớ thời này cũng có dung lượng chỉ tính bằng MB. Hiện nay, những chiếc thẻ nhớ microSD và bộ nhớ trong có dung lượng từ 16 GB đến 32 GB không còn là một cái gì đó quá “khủng khiếp” như câu chuyện của 10 năm trước.

5. Thiết bị quét dấu vân tay

Dù không thu hút được nhiều sự chú ý khi mới xuất hiện, song công nghệ nhận dạng dấu vân tay hiện nay trở thành một khái niệm quen thuộc nhờ sự lăng xê của Apple (với công nghệ Touch ID trên iPhone 5S vào năm 2013) và Samsung (với Galaxy S5 vào năm 2014). Chiếc smartphone đầu tiên được trang bị công nghệ này là LG eXpo vào năm 2009.

6. Khả năng thanh toán qua di động

Công nghệ NFC đã biến smartphone thành những chiếc ví điện tử để thanh toán khi mua hàng hóa ở mọi nơi mọi lúc. Các giải pháp thanh toán như Google Wallet và Apple Pay đang dần trở nên phổ biến, trong khi một hệ thống thanh toán di động khác của Samsung mang tên Samsung Pay cũng sẽ chào sân vào mùa hè năm nay.

7. Các ứng dụng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Gần đây những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới đã quan tâm hơn đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đó là lý do vì sao chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của loại tai nghe được tích hợp cảm biến đo nhịp tim, cùng với các dịch vụ và ứng dụng hỗ trợ như Google Fit, Samsung S Health và Apple Health. Cách đây một thế kỷ, điều này chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

8. Truyền hình trực tiếp

Các smartphone hiện tại có thể quay video chất lượng cao, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ như LTE, HSPA+ và Wi-Fi cho phép chúng trở thành những thiết bị lý tưởng để truyền video trực tiếp giữa những địa điểm cách nhau cả ngàn cây số. Bên cạnh đó những ứng dụng truyền hình trực tiếp như Meerkat hay Periscope của Twitter cũng đang trở nên ngày một phổ biến.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.