8 quận huyện của TP HCM sẽ nhận trẻ từ 6 tháng

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TP HCM nêu rõ trong kế hoạch năm học 2014 - 2015 giáo dục mầm non sẽ thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi ở 8 quận huyện của thành phố để rút kinh nghiệm trước khi triển khai mở rộng.

8 quận huyện của TP HCM sẽ nhận trẻ từ 6 tháng

Cụ thể, thí điểm là 20 lớp, 10 lớp từ 6 tháng đến 12 tháng và 10 lớp từ 13 tháng đến 18 tháng tuổi của 10 trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Sở sẽ hướng dẫn các trường mầm non trong việc thực hiện tổ chức nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi; bồi dưỡng chuyên môn kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, hướng dẫn sắp xếp trang bị các đồ chơi, đồ dùng trang thiết bị cho các lớp học này.

Cùng nhiệm vụ nói trên, năm học mới, giáo dục mầm non TP HCM sẽ duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi;

Phối hợp với UBND quận, huyện tăng cuờng công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, mẫu giáo độc lập. Thực hiện lộ trình để đảm bảo tỷ lệ trẻ mầm non học công lập và ngoài công lập theo đề án của thành phố;

Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non với phương châm đảm bảo cho trẻ phát triển tốt hơn, đồng thời giảm tải lao động cho giáo viên;

Sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vào hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1;

Duy trì việc đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ trẻ học bán trú;

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học;

Đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổ chức kiểm tra công nhận lại các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng các trường mầm non ngoại thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới;

Xây dựng trường mầm non tiên tiến hội nhập theo tiêu chí đã được UBND thành phố phê duyệt và chỉ đạo thực hiện điều chỉnh các nội dung giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ