8 lưu ý giúp uống nước đúng cách, có lợi cho sức khỏe

Nước chiếm 60 - 70% cơ thể, con người không thể sống thiếu nước, nhưng cần lưu ý uống đúng cách để có lợi nhất cho sức khỏe.

8 lưu ý giúp uống nước đúng cách, có lợi cho sức khỏe

Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) tư vấn:

Chúng ta có thể nhịn ăn vài tuần thậm chí hàng tháng nhưng không thể nhịn uống nước quá 5 ngày. Uống đủ nước sẽ có tác dụng thải trừ độc tố, chất cặn bã dư thừa trong cơ thể qua mồ hôi, nước tiểu.

Nếu cơ thể mất nước do tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi, say nắng rất dễ dẫn đến trụy tim mạch, khi không được bổ sung kịp thời có thể tử vong.

Nhu cầu về nước với người trưởng thành cần bổ sung khoảng 2 - 2,5 lít/ngày. Những người lao động nặng, môi trường nóng ra nhiều mồ hôi hay tập thể dục thể thao phải uống nhiều hơn.

8 lưu ý để uống nước đúng cách

1. Giờ uống nước trong ngày tốt nhất là buổi sáng, ngay sau khi vệ sinh cá nhân. Khi đó, nước như chiếc chổi quét các chất cặn bã dư thừa trong cơ thể ra đường tiêu hóa. 

Thức ăn tiêu hóa dở dang còn vướng ở dạ dày, ruột sẽ được làm sạch. Đồng thời, sau một đêm cơ thể không có nước nên rất cần bổ sung kịp thời.

Nhiều người có thói quen chưa ăn gì thì không uống nước nhưng chúng ta nên tập thói quen uống một cốc nước khoảng 200 ml vào buổi sáng.

2. Trong ngày, chúng ta cần duy trì thói quen uống đều nước và uống từ từ, liều lượng mỗi lần khoảng 100 - 150 ml. Không nên uống một lúc quá nhiều hoặc cầm chai tu, nhất là những người bị bệnh tim hoặc cao tuổi, khi khối lượng nước vào cơ thể ồ ạt có thể làm tăng áp lực tuần hoàn lên quá mạnh dẫn đến ngừng tim bất ngờ.

3. Chúng ta nên tập thói quen dù chưa có cảm giác khát vẫn nên uống nước đều đặn, nhất là đối với người già.

4. Không nên uống quá liều lượng quy định bởi có thể gây ngộ độc nước. Trường hợp này thường xảy ra với những người muốn giảm cân bằng cách uống nhiều nước.

5. Uống nước cũng phụ thuộc theo mùa và chế độ ăn của từng người. Nếu người có thói quen ăn nhiều canh, uống sữa, nước ép hoa quả thì nhu cầu nước lọc sẽ giảm là điều bình thường.

6. Không nên uống trước bữa ăn, vì sẽ làm hòa loãng dịch vị men tiêu hóa. Đối với những người kém ăn, uống nước trước bữa cơm còn khiến họ không còn cảm giác ngon miệng.

7. Uống nước sạch, không nhiễm vi khuẩn (đun sôi để nguội, nước khoáng đóng chai uy tín), ngoài ra có thể sử dụng thêm nước hoa quả ép. Nên hạn chế các loại nước ngọt có ga, nước giải khát công nghiệp, nếu lạm dụng có thể gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường, tăng đào thải canxi.

8. Dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu nước dù không có cảm giác khát đó là cổ họng khô, đi tiểu vàng sẫm như màu nước vối, tiểu ít, táo bón, da khô, nhăn nheo… lúc đó chúng ta phải uống đủ để bổ sung.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ