8 khuyến nghị đổi mới phân bổ ngân sách giáo dục

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) – đưa ra một số khuyến nghị đổi mới mô hình phân bổ ngân sách ở Việt Nam từ việc nghiên cứu kinh nghiệm phân bổ ngân sách cho giáo dục ĐH 1 số nước Châu Á và đánh giá mô hình phân bổ ngân sách cho giáo dục ĐH hiện tại của Việt Nam.

8 khuyến nghị đổi mới phân bổ ngân sách giáo dục

Khuyến nghị này được PGS.TS Nguyễn Trường Giang đưa ra trong tham luận tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay” (ngày 18/10, Hà Nội).

Học phí tiến tới bù đắp được chi phí đào tạo cần thiết để đạt chất lượng

Khuyến nghị đầu tiên PGS.TS Nguyễn Trường Giang đưa ra là học phí cần được nâng lên đáng kể với mục tiêu là học phí tiến tới bù đắp được chi phí đào tạo cần thiết để đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Quan điểm thực hiện tính đủ học phí và có lộ trình xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ đã được nêu rõ trong Kết luận số 37 (Bộ Chính trị, 2011) và vừa qua đã được Quốc hội Luật hóa trong Luật phí, lệ phí (năm 2015) dưới hình thức chuyển học phí từ danh mục tính phí sang tính giá dịch vụ (học phí được tính đủ các yếu tố chi phí cấu thành giá).

Phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu Nghị quyết số 14 (Chính phủ, 2005) về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 là nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Trường Giang

Nội dung này cũng được thể chế hóa trong Nghị định số 16 (Chính phủ, 2015) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đã vạch ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công là đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Việc hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã được thể hiện trong Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được Hội nghị trung ương 6 (khóa XII) thông qua.

Tuy vậy, Nghị định số 86 (Chính phủ, 2015) về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021 vẫn chưa được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Điều đó cho thấy cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi khung học phí quy định tại Nghị định số 86 (Chính phủ, 2015) cho phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16 (Chính phủ, 2005).

Điều chỉnh học phí gắn với đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục ĐH với đối tượng chính sách…

Lưu ý thứ hai PGS.TS Nguyễn Trường Giang đưa ra là, việc điều chỉnh học phí phải cần gắn với việc đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục ĐH đối với các đối tượng học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh tài năng, học sinh thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình nghèo.

Theo đó, để đảm bảo khả năng tiếp cận học tập của người học, nhưng không chuyển trách nhiệm hỗ trợ người học thuộc đối tượng chính sách từ nhà nước sang các cơ sở đào tạo thông qua việc các cơ sở đào tạo phải miễn, giảm học phí cho các đối tượng này, cần có chính sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, cấp học bổng chính sách, học bổng tài năng cho các đối tượng nêu trên.

Học bổng cần được tính đủ theo mức học phí đã tính đủ chi phí đào tạo cần thiết, để người được cấp học bổng có điều kiện chọn các cơ sở đào tạo, các ngành học phù hợp và tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng để thu hút người học.

Đối với người học thuộc các đối tượng thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo, Nhà nước cần thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua việc duy trì chính sách tín dụng sinh viên, tạo điều kiện cho người học dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận đầy đủ các khoàn hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người vay trong việc hoàn trả vốn vay sau khi học xong và có việc làm.

Cân nhắc điều chỉnh phù hợp chính sách miễn, giảm học phí với sinh viên sư phạm

Thứ ba, theo PGS.TS Nguyễn Trường Giang, cần cân nhắc điều chỉnh chính sách miễn, giảm học phí đối với sinh viên học ngành sư phạm cho phù hợp với yêu cầu phát triển và tình hình thực tế.

Theo đó, cần điều chỉnh theo hướng căn cứ vào nhu cầu sử dụng, nhà nước xác định số lượng học sinh sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo, học sinh được nhà nước đặt hàng đào tạo không phải trả học phí và có trách nhiêm cam kết và thực hiện theo sự phân công của nhà nước. Hoặc những sinh viên ra trường công tác trong ngành sư phạm trong một thời gian nhất định sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí ĐH.

Theo cách này sẽ gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng của nhà nước, trách việc ngân sách nhà nước đã hạn hẹp lại phải chi cho những đối tượng đào tạo xong không được nhà nước sử dụng hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí và không hiệu quả.

Nghiên cứu thay đổi phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập

Thứ tư, PGS.TS Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần nghiên cứu thay đổi từ phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập hiện nay theo dự toán mang tính chất bình quân giữa các cơ sở đào tạo, bình quân giữa các chuyên ngành đào tạo, chuyển sang phương thức nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng của Nhà nước.

Theo đó, các cơ sở đào tạo ĐH sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo đặt hàng của Nhà nước.

Đối với đào tạo cung cấp theo nhu cầu xã hội, các trường ĐH sẽ được giao quyền tự chủ trong việc mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố mức học phí đào tạo (giá cung cấp dịch vụ) trên nguyên tắc gắn với nhu cầu người học, đảm bảo chất lượng chuẩn theo quy định của Nhà nước và tự cân đối thu, chi tài chính.

Nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng đào tạo đối với những chuyên ngành đào tạo nhà nước có nhu cầu nhưng xã hội chưa đáp ứng đủ hoặc những chuyên ngành đào tạo đặc thù chỉ sử dụng trong khu vực nhà nước (an ninh, quốc phòng, cơ yếu, các ngành khoa học cơ bản, toán, lý, hóa, năng lượng hạt nhân, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật truyền thống,..);

Số lượng sinh viên đặt hàng được cân đối theo quy hoạch và dự báo, nhu cầu sử dụng của nhà nước, của xã hội trong từng thời kỳ, kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng đào tạo được tính toán dựa trên các công thức và định mức kinh tế kỹ thuật khoa học, đảm bảo đạt chất lượng theo yêu cầu đặt ra.

Các cơ sở đào tạo phải có những cam kết chặt chẽ về số lượng, cơ cấu ngành nghề và số lượng và chất lượng sinh viên được tốt nghiệp và nhà nước và xã hội có cơ chế kiếm soát sự cam kết này một cách công khai, minh bạch.

Trên cơ sở thực hiện tốt phương thức nhà nước đặt hàng đào tạo, từng bước tiến tới thực hiện phương thức đấu thầu đào tạo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, qua đó tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục ĐH theo tiêu chí chất lượng, công bằng và hiệu quả, có lợi cho nhà nước, cho người học, không phân biệt cơ sở đào tạo công lập, ngoài công lập.

Với cách này sẽ tạo một khuôn khổ cạnh tranh thật sự công bằng giữa các trường ĐH, cao đẳng ở nước ta, không có sự phân biệt giữa các cơ sở giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập theo đúng tinh thần Luật giáo dục ĐH và Nghị định 69 (Chính phủ, 2008) về thúc đẩy xã hội hóa.

Đa dạng hóa các nguồn tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH

Khuyến nghị thứ năm của PGS.TS Nguyễn Trường Giang là cần đa dạng hóa các nguồn tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng nguồn thu học phí từng bước được tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng học phí trong cơ cấu nguồn thu tài chính cần phải giảm về tương đối.

Hiện nay nguồn học phí chiếm tới trên 90 % tổng các nguồn thu tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH. Điều này cho thấy hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH đang tập trung vào việc đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa được quan tâm đúng mức và chưa đóng góp được nguồn thu đáng kể.

Trong khi đó các cơ sở giáo dục ĐH là có 2 chức năng cơ bản là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thực tế các trường ĐH có uy tín trên thế giới đều cho thấy sự cân bằng giữa hai chức năng này.

Các trường ĐH Việt Nam muốn nâng cao chất lượng và hội nhập cũng không thể thiếu chức năng nghiên cứu khoa học. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên cần có sự đổi mới cơ bản trong định hướng, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, nguồn lực tài chính đảm bảo sự cân đối giữa nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục ĐH.

Phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu Nghị quyết số 14 (Chính phủ, 2005) về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 là nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.

Chuyển các cơ sở giáo dục ĐH công lập sang thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Thứ sáu, PGS.TS Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần chuyển các cơ sở giáo dục ĐH công lập sang thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 16 (Chính phủ, 2015).

Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ không phụ thuộc vào kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, được tự chủ toàn bộ về tài chính, nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học từ nhà nước (chuyển phương thức ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên của các trường ĐH như hiện nay sang thực hiện phương thức ngân sách nhà nước đặt hàng), từ doanh nghiệp, từ học sinh nhập học.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP (Chính phủ, 2014) về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay đã có khoảng 23 trường ĐH công lập đang triển khai các đề án tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong việc giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nâng cao tự chủ về hoạt động, về tài chính của nhà trường.

Tuy vậy, để giải pháp này được áp dụng toàn diện đối với trên 165 trường ĐH công lập cần có những giải pháp hết sức cụ thể, và quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo.

Nhà nước chỉ nên lựa chọn cấp kinh phí hoạt động cho một số hạn chế các cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện những nhiệm vụ đặc thù do nhà nước giao, những cơ sở giáo dục ĐH ở các khu vực, vùng miền khó khăn, cần có chính sách ưu tiên; những cơ sở đào tạo ĐH công lập chậm đổi mới, không thích ứng được cơ chế cạnh tranh sẽ phải chấp nhận tái cơ cấu, sáp nhập, hoặc chuyển giao sở hữu cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Cần chính sách đối xử công bằng thực sự giữa giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập

Niềm vui ngày tốt nghiệp
Niềm vui ngày tốt nghiệp

Thứ bảy, theo PGS.TS Nguyễn Trường Giang, để giáo dục ĐH phát triển không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, thực tế của các nước có nền giáo dục ĐH phát triển cho thấy vai trò và sự đóng góp của các cơ sở ĐH tư nhân, ĐH do các tổ chức ngoài nhà nước đầu tư có vai trò hết sức quan trọng.

Bên cạnh việc cung cấp huy động nguồn tự từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển giáo dục ĐH, các cơ sở này còn tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng giữa các cơ sở đào tạo, tăng sự lựa chọn đối với người học.

Vì vậy bên cạnh các chính sách ưu tiên, khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục ĐH, Nhà nước cần có chính sách đối xử công bằng thực sự giữa các cơ sở giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập trên các giác độ: chính sách đât đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng và khả năng tiếp cận các nguồn kinh phí đặt hàng đào tạo từ NSNN.

Xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với trường ĐH

Trong khuyến nghị thứ tám, PGS.TS Nguyễn Trường Giang nêu rõ: Nghị quyết số 14 (Chính phủ, 2005) của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đặt ra yêu cầu cần xóa bỏ cơ quan chủ quản của các trường ĐH, song điều này đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Nay giáo dục ĐH đã hoạt động gắn với thị trường, các cơ sở đào tạo đa dạng về sở hữu (công lập, ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài), đào tạo mang tính đa ngành, học sinh tốt nghiệp đào tạo được phân công theo cơ chế thị trường, rộng khắp trong xã hội.

Việc duy trì cơ quan chủ quản là không cần thiết, không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo ĐH, dẫn đến chia cắt trách nhiệm quản lý, tạo sự không thống nhất trong chỉ đạo điều hành, hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH.

Cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 14 (Chính phủ, 2005), để đến năm 2020 đạt mục tiêu xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với trường ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.