Trong cuộc sống, sẽ có những lúc bạn bối rối, không biết liệu người đó chân thật với mình hay chỉ là đang tỏ ra chân thành để lợi dụng bạn điều gì đó.
Để tránh rơi vào hoàn cảnh đó, 8 đặc điểm sau sẽ giúp bạn dễ dàng nhận diện liệu người đó chân thành hay đang giả dối với mình.
1. Người giả dối chỉ trọng người giàu, luôn để tâm tới xuất thân, địa vị
Khi một người hành động không xuất phát từ lợi ích riêng, họ sẽ có xu hướng không quan tâm nhiều đến địa vị xã hội của người khác. Người chân thành sẽ tôn trọng tính cách và đặc điểm của tất cả mọi người.
Trong khi đó, người giả dối luôn thích tạo mối quan hệ với những người giàu có và quyền lực. Nếu bạn thuộc đối tượng này, họ sẽ có xu hướng tiếp cận để lợi dụng bạn nhiều hơn là tình cảm chân thành.
Đặc điểm này có thể thấy rõ ở hai nhân vật nổi tiếng Harry Potter và Malfoy trong tiểu thuyết của tác giả JK Rowling. Nếu như Harry không bao giờ quan tâm đến địa vị xã hội của mọi người thì Malfoy luôn đánh giá người khác dựa trên quyền lực, gia thế hay sự giàu có của họ.
2. Người giả tạo muốn hưởng lợi từ mọi thứ
Một người chân thành sẽ không bao giờ cố lừa dối người khác, thuyết phục họ làm những gì tốt nhất cho mình mà không cần quan tâm đến cảm giác hay lợi ích của người khác. Họ tìm cách thao túng người khác để làm lợi cho riêng mình.
Bạn có thể quan sát thái độ và cách giải quyết vấn đề của người đó, xem liệu họ có luôn đưa ra những giải pháp có lợi cho riêng mình không.
Lucy, nhân vật chính trong Biên niên sử Narnia, không bao giờ tìm cách để thay đổi người khác. Trái ngược với đó, Eustace, anh họ của cô lại dùng cả vũ lực để đe dọa mọi người làm theo những gì anh ta muốn.
3. Người giả dối thích mình là "cái rốn của vũ trụ"
Một người chân thành sẽ không tìm mọi cách để thu hút sự chú ý. Với họ, sự bình an và hạnh phúc mới là điều quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, người sống giả dối lại thích mình luôn là tâm điểm của đám đông, "cái rốn của vũ trụ".
Nhân vật Shrek trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên là một ví dụ. Shrek không bao giờ thích nổi tiếng mà luôn làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái. Trái lại, hoàng tử Charming lại sẵn sàng chống lại những nguyên tắc đạo đức để "làm màu", thu hút sự chú ý của mọi người.
4. Người giả tạo luôn khoe khoang, người chân thật thì khiêm nhường
Người chân thành thường khiêm tốn và không thích khoe khoang về thành tích của bản thân để tìm kiếm sự chú ý. Một kẻ giả tạo lại rất kiêu ngạo và luôn miệng khoe về những thành tích của mình, thậm chí là tự khuyếch đại chúng.
Truyện cổ tích Người đẹp và Quái vật là một minh chứng. Trong khi quái vật thông minh với tri thức đầy mình và luôn khiêm tốn thì gã Gatson luôn thích phóng đại khoe khoang dù bản thân chưa làm được gì.
5. Người giả dối thích đưa chuyện, không dám bày tỏ quan điểm
Một người không tự tin và có ý chí mạnh mẽ sẽ không dám công khai quan điểm riêng của mình. Đó là bởi ý kiến của họ có thể khác với đám đông và việc thẳng thắn đưa ra ý kiến cho thấy sự chân thành và can đảm của họ.
Người sống giả tạo thì không như vậy. Họ thích đi đưa chuyện, nói sau lưng người khác và chẳng ngại đơm đặt, thổi phồng câu chuyện.
Molly Brown trong tác phẩm “Titanic” là một người phụ nữ mạnh mẽ, dám đi ngược lại những quy tắc của đám đông và luôn nói không với ngồi lê đôi mách. Ngược lại với bà, mẹ của Rose lại là người thường xuyên đưa tin đồn thất thiệt mà không hề có chính kiến.
6. Người giả dối thường hứa suông
Nếu từng đọc qua tác phẩm “Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Austen, bạn chắc hẳn sẽ không thể quên được cách dẫn truyện lôi cuốn ngay từ những trang đầu tiên.
Ban đầu, người đọc sẽ chưa thể hình dung được tính cách chân thực của các nhân vật song khi kết thúc, Wickham đã cho thấy mình là người hứa suông qua việc hứa trở thành linh mục với cha của Darcy. Mặt khác, ông Darcy dù tính cách có chút kiêu ngạo song là người rất coi trọng chữ tín, luôn giữ lời hứa.
Việc thất hứa có thể khiến người khác tổn thương và đó là điều mà người chân thành không bao giờ muốn làm. Họ sẽ tìm cách để cố gắng thực hiện những gì mình đã nói. Trong khi đó, người giả dối lại chỉ cần xoa dịu người khác vào lúc đó, hứa hươu vượn chứ không có ý định thực hiện.
7. Người giả tạo lấy việc chỉ trích người khác để tôn mình lên
Những người sống giả dối có xu hướng hạ thấp người khác xuống để tôn giá trị của bản thân lên. Người sống chân thành luôn biết nghĩ cho cả hai, cố gắng tránh tổn thương cho đối phương và làm sao để cả hai cùng tốt.
Hai nhân vật Aragorn và Gondor trong Chúa tể của những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien là một ví dụ điển hình. Aragorn luôn cố sức giúp đỡ những người xung quanh còn thủ lĩnh Gondor thì cư xử thiếu tôn trọng ngay cả với con trai của mình.
8. Người giả dối chỉ tử tế khi muốn đạt lợi ích
Những kẻ giả dối sẽ tử tế đột xuất khi họ muốn đạt được một lợi ích nào đó và chẳng ngại quay ngoắt thái độ. Trong khi đó, người chân thành sẽ đồng hành cùng bạn, ngay cả trong những tình thế khó khăn.
Nếu bạn là Robert Baratheon, nhân vật trong chương trình truyền hình nổi tiếng và tiểu thuyết giả tưởng “Trò chơi vương quyền”, bạn có thể không nhận ra bản chất đáng sợ của cô vợ Cersei. Cô ta là người sẽ rất tử tế với bạn trong khi đang lên kế hoạch giết hại bạn. Cersei sẽ tử tế với những người mang lại lợi ích cho cô ta, trong khi Jon Snow luôn tôn trọng và đối xử tốt với những người anh gặp.