77% game online mang tính bạo lực

77% game online mang tính bạo lực
Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Cạm bẫy có thể đến từ những trang web đen, những trò chơi trực tuyến, những bộ phim, phòng chat online... với vô vàn những biến tướng của các chiêu thức lừa đảo tiền bạc, sức khoẻ, tính mạng và ảnh hưởng đến  hành vi, nhân cách của những người trẻ... Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là những trò chơi trực tuyến thiếu lành mạnh.

Tại chương trình Đối thoại trẻ tháng 8 (VTV) các bạn trẻ đã cùng các khách mời đối thoại đưa ra những quan điểm, nhận định của mình xung quanh chủ đề này, nhận diện những tác động tích cực và tiêu cực của Internet, trong đó có gmae online, trách nhiệm của các bên liên quan  cũng như đề xuất những giải pháp, cách thức để các bạn trẻ sử dụng Internet an toàn và hiệu quả, tận dụng những cơ hội, yếu tố tích cực do Internet mang lại và phòng tránh nhưng cạm bẫy hiểm nguy luôn rình rập trên Internet.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Bộ GD&ĐT tại 5 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, 77% trò chơi trực tuyến (game online) mang tính bạo lực, 9% có yếu tố cờ bạc. Hiện có  2/3 học sinh tiểu học, 81% học sinh THCS và THPT và 75% sinh viên CĐ-ĐH chơi game online.
 
Nghiên cứu của thạc sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, có đưa ra nhận định, người chơi có độ tuổi càng trẻ thì mức độ ảnh hưởng của game online càng tác động rõ nét hơn đến hành vi của họ.

Còn theo TS. Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH sư phạm TP.HCM), việc người chơi tiếp xúc với bạo lực từ ngày này qua ngày khác trên game sẽ làm tê liệt cảm xúc, đến khi người chơi không còn cảm xúc về bạo lực, họ sẽ thực hiện nó một cách dễ dàng.

Những trò chơi game online thiếu lành mạnh chính là một cạm bẫy nguy hiểm cho các bạn trẻ khi sử dụng net. Không ít thanh thiếu niên chơi game đến mức thành nghiện, chìm đắm trong một thế giới xa lạ dẫn đến rối loạn tâm lý, từ đó gây ra những hậu quả khôn lường.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để giảm tác hại của game online, có thể làm được sau vài tuần bằng cách giảm dần rồi ngừng hẳn. Ban đầu, trẻ có thể vật vã, lờ đờ, kiệt quệ sức lực, mất hết hứng thú học tập; sau đó sẽ dần trở lại bình thường. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần tạo điều kiện để con tham gia vào các trò chơi vận động, trò chơi luyện khả năng quan sát, luyện tư duy; tham gia lao động hoặc những việc mà trẻ hứng thú, tham gia những mối quan hệ xã hội lành mạnh ... Một số chuyên gia cho rằng, việc thay đổi môi trường sống rất quan trọng để trẻ thay đổi thói quen chơi game. Dù có bỏ được game, nhưng trong môi trường có nhiều bạn bè chơi game thì bản thân trẻ khó cưỡng lại được ham muốn quay trở lại game online.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ