72 năm thành lập Nha Bình dân học vụ (8/9/1945): Sự học của người lớn và “HỌC KHÔNG BAO GIỜ CÙNG”

GD&TĐ - Giáo dục cho người lớn theo khuyến nghị của UNESCO là thuật ngữ chỉ toàn bộ quá trình giáo dục có tổ chức, bất kể nội dung, trình độ và phương pháp gì…để người lớn phát triển được năng lực, làm giàu kiến thức, nâng cao chất lượng chuyên môn và tay nghề, thay đổi thái độ hành vi giúp họ tham gia phát triển KT – VH - XH. Điều này Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Học không bao giờ cùng”. Câu nói của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại.

 72 năm thành lập Nha Bình dân học vụ (8/9/1945): Sự học của người lớn và  “HỌC KHÔNG BAO GIỜ CÙNG”

* Từ Bình dân học vụ đến “Xã hội học tập”

Năm 1949 tại Elsinor – Đan Mạch, Hội nghị thế giới về GD người lớn đã được triệu tập. Tại Hội nghị, khẩu hiệu được nêu lên là “Vì sự công bằng về GD cho người lớn” tạo cơ hội học tập lần thứ hai cho những người lớn bị thất học trong chiến tranh.

Như vậy, GD người lớn đã được quốc tế quan tâm khá sớm nhưng thực ra Việt Nam đã xác định điều này từ trước đó nhiều năm- ngay sau khi giành được độc lập 2/9/1945.

Ngay sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngày 8/9/1945 Nha Bình dân học vụ (BDHV) được thành lập (Sắc lệnh số 19), khóa huấn luyện GV BDHV đầu tiên được mở ở Hà Nội mang tên Hồ Chí Minh.

Chỉ sau một năm hoạt động, BDHV đã có 74.957 lớp học dạy xóa mù chữ (XMC) và có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm lãnh đạo toàn dân tiếp tục công cuộc XMC và tổ chức các lớp bổ túc văn hóa (BTVH) góp phần đào tạo cán bộ, bồi dưỡng sức dân đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Sau khi đất nước thống nhất, BDHV tiếp tục sứ mệnh của mình với những mục tiêu và nhiệm vụ cao hơn – đó là phổ cập GD THCS và giáo dục thường xuyên.

Công việc XMC được thực hiện cùng với PCGDTH và các chương trình sau XMC để tránh hiện tượng tái mù chữ. Kết quả, đến năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia XMC - PCGDTH; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ.

Đó thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà. Mặc dù tỷ lệ biết chữ khá cao nhưng công tác XMC vẫn được duy trì liên tục, bền bỉ.

Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 - 35 là 98,69%; độ tuổi tuổi 15 - 60 là 97,73%. Đến nay, tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 - 35 của người DTTS là 95,82%; độ tuổi 15 - 60 là 92,53%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,8% đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC.

Đến nay, nhiều tỉnh đã hoàn thành PC GDTHCS và nơi có điều kiện thực hiện PC GDTHPT. Bên cạnh công tác phổ cập, ngành GD- ĐT đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi với nhiều hình thức và phương thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

* Mục tiêu ưu tiên “giáo dục người lớn” và “xã hội học tập”

Nhân dân ta có truyền thống hiếu học. Song nếu truyền thống hiếu học đó không được hun đúc thường xuyên ở tất cả các lúa tuổi thì sẽ bị mờ dần theo năm tháng. Do đó, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng nhiều chính sách và đặt mục tiêu giáo dục người lớn và xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện và bình đẳng giáo dục cho mọi người.

GS.TS Phạm Tất Dong - PCT kiêm Tổng thư ký Hội KHVN cũng khẳng định: Trong cấu trúc xã hội học tập mà nhiều quốc gia hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, GD người lớn bao gồm nhiều thiết chế GD, chủ yếu là GD không chính quy thuộc hệ thống GD tiếp tục.

Nói như vậy để khẳng định một ý tưởng rằng, người lớn không chỉ được khuyến khích học theo kiểu “cần gì học nấy” mà học để phát triển năng lực sẵn có đến trình độ cao nhất trong điều kiện con người có thể với tới.

Theo ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, Ngày 9/1/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” với quan điểm mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời; các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

Để thực hiện chủ trương này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án XMC giai đoạn 2012 - 2020 và Phát triển đào tạo từ xa; Bộ Thông tin Truyền thông thực hiện Đề án truyền thông về xây dựng xã hội học tập; Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du Lịch có đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; Hội Khuyến học VN có đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư”.

Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động VN cũng chủ trì Đề án “Hỗ trợ người lao động nông thôn, những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời” và Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp”.

Qua các đề án trên, người học được cung cấp đầy đủ về nội dung học tập, phương diện học tập và không gian học tập. Được biết, trong thời gian tới nhà nước sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu “công dân học tập” qua đó để mỗi người lớn phấn đấu danh hiệu này.

Mỗi người lớn đạt được danh hiệu này thì mới đủ điều kiện xét danh hiệu gia đình học tập. Qua đó, người lớn có ý thức học tập họ sẽ được nhà nước động viên, khích lệ thích đáng.

Giáo dục cho người lớn, xây dựng xã hội học tập là một vấn đề lớn, mang tính chiến lược giáo dục. Chính việc tổ chức tốt việc này là điều kiện tiên quyết để chúng ta đạt mục tiêu có nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận với thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, để đất nước phát triển bền vững, mọi người đều thấy dễ sống và đáng sống hơn.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Chúng ta gọi đó là sự học của người lớn. Khác với HS ngồi trên ghế nhà trường, người lớn học có tính thực dụng cao, họ học vì công việc, học vì sự thăng tiến, học vì trách nhiệm là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ