7 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện: "Vợ chồng tôi phải gắng làm để trả nợ đời cho con"

Hơn 7 năm sau vụ việc Lê Văn Luyện sát hại vợ chồng, con chủ tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang), giờ đây gia đình Luyện đang phải ngày đêm vất vả làm lụng kiếm tiền trả nợ.

7 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện: "Vợ chồng tôi phải gắng làm để trả nợ đời cho con"

“Tôi từng mặc cảm chỉ ở trong nhà, luôn đeo khẩu trang, không dám ra đường”

Cách đây hơn 7 năm, cái tên Lê Văn Luyện, kẻ truy sát cả gia đình ở tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) từng khiến dư luận chấn động suốt một thời gian dài.

Trong vụ án kinh hoàng ấy, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích cùng đứa con 18 tháng tuổi bị sát hại dã man. Con gái lớn của họ mới 8 tuổi thì bị chém đứt lìa tay phải.

Con đường dẫn vào nhà Lê Văn Luyện.
Con đường dẫn vào nhà Lê Văn Luyện.
Tiệm vàng Ngọc Bích giờ được vợ chồng người anh trai buôn bán, tấm biển vẫn giữ nguyên.
Tiệm vàng Ngọc Bích giờ được vợ chồng người anh trai buôn bán, tấm biển vẫn giữ nguyên.

Đi đâu mọi người cũng bàn tán xôn xao về cái tên này. Luyện gây án khi chưa đầy 18 tuổi nhưng những hành động của hung thủ này khiến ai nấy đều khiếp sợ mỗi khi nhớ lại. Sau vụ việc này, người thân đã đưa bé gái duy nhất còn sống sót vào miền Nam sinh sống, học tập để xoa dịu nỗi đau ám ảnh.

Tiệm vàng Ngọc Bích giờ đây được gia đình người anh trai chủ tiệm vàng buôn bán. Trên tầng 2 của ngôi nhà vẫn treo tấm biển trước đây nhưng đã dần hoen gỉ. Người trong nhà đã dần nguôi ngoai với những mất mát từng ám ảnh họ trong suốt nhiều năm trôi qua.

Gia đình Luyện đã quay về ngôi nhà này sinh sống được 2 năm nay.
Gia đình Luyện đã quay về ngôi nhà này sinh sống được 2 năm nay.

Sau biến cố, gia đình Luyện tan nát. Ông Lê Văn Miên (bố Luyện) vướng vòng lao lý vì hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, em trai phải bỏ học giữa chừng vì không chịu nổi những lời đàm tiếu của bè bạn.

Còn bà Trương Thị Thơm (mẹ Luyện) có thời gian bị sang chấn tâm lý nặng nề vì sốc. Người phụ nữ duy nhất trong nhà phải chịu rất nhiều đau đớn tưởng không thể vượt qua, cả gia đình sang nhà ngoại lánh nạn.

Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam - quê của Lê Văn Luyện. Ngôi nhà nhỏ này nằm ngay đối diện UBND xã Thanh Lâm. Trong nhà không vật dụng gì đáng giá, bà Thơm cho biết, gia đình đã quyết định quay lại đây sống gần 2 năm qua.

Trước đó ngôi nhà này bỏ không, cả gia đình phải đi nơi khác lánh nạn vì không chịu nổi lời đàm tiếu của nhiều người.

Bà Thơm gắng gượng vượt qua sau khi con gây ra thảm án, hằng ngày bà làm nghề đan ngựa vàng mã.
Bà Thơm gắng gượng vượt qua sau khi con gây ra thảm án, hằng ngày bà làm nghề đan ngựa vàng mã.

Theo bà Thơm, thời gian đầu sau khi con gây ra thảm sát, cả gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề. Suốt ngày bà chỉ biết khóc rồi nằm gục trong nhà, không giao tiếp với ai. Bà chỉ biết bấu víu anh em và trông con nhỏ, cứ mong từng ngày, từng giờ rồi nghĩ bao giờ cho hết một tháng, rồi lại một năm…

“Nghĩ lại mọi chuyện lúc đó buồn lắm, cả chồng tôi và Luyện bị bắt giữ. Trước tôi làm nghề bán thịt lợn cũng không phải người nhút nhát nhưng xảy ra chuyện như vậy tôi trở nên ít nói. Đến nỗi cứ ra ngoài là tôi đeo khẩu trang kín mít, không dám dừng mua gì cả. Nhiều người nhận ra hỏi han nhưng tôi không dám đứng lại”, bà Thơm nhớ lại.

“Giờ tôi phải làm để trả nợ đời cho con trai…”

Thế rồi bà Thơm tự động viên mình cố gắng vượt qua mọi chuyện, người thân trong gia đình cũng động viên. Bà vay mượn anh em họ hàng, vay ngân hàng khắc phục một phần hậu quả cho gia đình bị hại khi sau khi con trai gây tội. Đến năm 2015, ông Miên mãn hạn tù quay về nhà, sức khoẻ sa sút đi nhiều.

Căn nhà người thân Lê Văn Luyện đang sinh sống.
Căn nhà người thân Lê Văn Luyện đang sinh sống.
Bên trong nhà Lê Văn Luyện không vật dụng gì đáng giá.
Bên trong nhà Lê Văn Luyện không vật dụng gì đáng giá.

Năm 2017, vợ chồng quyết định quay về nhà sinh sống, tìm kiếm công việc tích cóp lo trả nợ. “Quay về đây tôi không bán thịt nữa, tôi bắt đầu đi học nghề đan ngựa vàng mã. Ban đầu học nghề này cũng gian nan lắm, nhiều khi đan lỗi cứ tháo ra rồi đan vào đến rách cả bàn tay. Cũng may người chỉ dạy họ  không lấy tiền công chỉ dạy mình. Học được vài tháng tôi dần quen với công việc rồi về tự đan ở nhà.

Ban đầu tôi cũng sợ làm nghề này ra biết bán cho ai mua nhưng rồi bà con xung quanh cũng động viên bảo cứ yên tâm làm ăn. Con gây ra tội thì đền tội còn mình cứ phải cố vực dậy lo cho cuộc sống gia đình”, bà Thơm trải lòng.

Bà Thơm bảo giờ gia đình chỉ lo làm lụng để trả nợ sau những gì con gây ra.
Bà Thơm bảo giờ gia đình chỉ lo làm lụng để trả nợ sau những gì con gây ra.
Làm nghề đan nhiều khiến bà Thơm bị rách ở tay, phải đeo găng tay.
Làm nghề đan nhiều khiến bà Thơm bị rách ở tay, phải đeo găng tay.

Thế là hằng ngày bà Thơm thức dậy bắt đầu công việc đan ngựa vàng mã từ sớm, bà cứ mò mẫm đan từng con ngựa với đủ loại kích thước khách yêu cầu. Mọi người cũng bảo nhau nên mỗi ngày bà có đông khách hơn.

“Cũng may có công việc này tôi làm có đồng ra đồng vào, ngày nào cũng làm từ sáng sớm đến tận 10-11 giờ đêm mới được nghỉ. Tối đến chồng con lại phụ tôi chẻ nan để sáng hôm sau đan.

Làm nghề này cũng chỉ như công phụ hồ mỗi ngày được 120-150.000 đồng thôi nhưng cứ cuốn theo công việc khiến tôi bớt buồn tủi. Giờ vợ chồng chỉ lo làm ăn lấy tiền trả nợ cho con. Chồng tôi đi làm phu hồ, công việc không ổn định”, mẹ Lê Văn Luyện nói.

Bà Thơm bảo, ban đầu tức giận con trai lắm nhưng rồi bản thân người mẹ như bà lại động lòng thương. Bà bảo chỉ mong con ở trong trại giam cải tạo tốt.

 “Đời người ai cũng mắc sai lầm, biết là sai lầm của con gây ra quá lớn nhưng giờ biết làm sao được. Vợ chồng tôi vẫn cố động viên nhau cùng vượt qua khó khăn này”, bà Thơm tâm sự thêm.

Theo Saostar.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...