Theo dự thảo, việc đánh giá từng tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn sử dụng thang 7 mức, trong đó:
Mức 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức;
Mức 2: Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục;
Mức 3: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí, chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;
Mức 4: Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí;
Mức 5: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí;
Mức 6: Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí;
Mức 7: Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí.
Các tiêu chí được đánh giá mức 4 đến mức 7 là đạt yêu cầu.
Có 11 tiêu chuẩn được đưa và đánh giá, bao gồm: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Bản mô tả chương trình đào tạo; Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; Phương pháp tiếp cận trong dạy và học;
Đánh giá kết quả học tập của người học; Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học; Chất lượng đội ngũ cán bộ hỗ trợ; Chất lượng người học và hoạt động hỗ trợ người học; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Nâng cao chất lượng; Kết quả đầu ra.
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học nhằm mục đích: Cơ sở giáo dục đại học sử dụng tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của từng chương trình cụ thể;
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo. Các tổ chức và cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà họ quan tâm.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về sử dụng tiêu chuẩn đánh giá, hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chịu trách nhiệm đảm bảo những điều kiện cần thiết để chương trình được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để lập kế hoạch xây dựng chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn và có các biện pháp thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục căn cứ vào các tiêu chuẩn này để đánh giá, xem xét và công nhận chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn…