1. Giúp bé hiểu vì sao cần đến lớp
Động viên bé đến trường vì những lợi ích dễ nhận thấy, ví như bé biết chữ, bé sẽ đọc được nhiều truyện tranh hấp dẫn. Ba mẹ sẽ mua cho bé nhiều sách truyện nếu bé biết đọc như một phần thưởng xứng đáng. Ngoài ra, đến trường bé sẽ được mở mang kiến thức, từ đó khám phá nhiều điều thú vị trong cuộc sống, sẽ trả lời được những câu hỏi “vì sao”. Hãy lấy một vài ví dụ đơn giản để bé hiểu hơn về điều này như: Vì sao lại có mưa? Vì sao có biển? Vì sao có sấm?...
Cha mẹ nhẹ nhàng phân tích để bé nhận ra, nếu đến trường, bé sẽ học được rất nhiều điều thú vị
2. Tạo cho con cảm giác trường học giống như công viên
Giúp bé hiểu rằng đến trường còn là cơ hội để bé gặp gỡ, giao lưu và kết bạn với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Bé được cùng bạn bè tham gia nhiều trò chơi hay hoạt động tập thể bổ ích mà ở nhà bé không có cơ hội để tận hưởng trọn vẹn.
Giúp bé hiểu rằng, đến trường bé sẽ được gặp gỡ, kết bạn và vui chơi với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Ảnh minh họa
3. Không làm bé hoang mang, lo sợ
Thật sai lầm khi nhiều bậc cha mẹ lấy nhà trường hay cô giáo làm “vũ khí” bắt bé phải nghe lời bạn hoặc mỗi khi con mắc lỗi. Những câu cửa miệng thường là: “Nếu không nghe lời ba, ba sẽ mách cô giáo” hay “cô giáo sẽ có hình phạt thích đáng nếu con không ngoan” Hoặc “khi đến lớp con phải ngoan vì cô giáo sẽ không hiền như bố mẹ”... Như vậy, bạn đang biến hình ảnh thầy, cô và nhà trường giống như “ngáo ộp” với bé trong những câu chuyện cổ tích. Giúp bé định hướng suy nghĩ tốt về hình ảnh trường lớp và cô giáo để bé cảm thấy cô không phải là người xa lạ và sẵn sàng “kỷ luật” bé mà cô giáo cũng giống như người mẹ thứ hai, luôn yêu thương và thấu hiểu những điều bé muốn.
Thật sai lầm khi nhiều bậc cha mẹ lấy nhà trường hay cô giáo làm "vũ khí" bắt bé phải nghe lời
4. Đồng hành cùng bé
Thời gian đầu đi học, bé chưa ý thức được nhiệm vụ học tập của mình là gì, khi ấy các bậc cha mẹ cần quan tâm, gần gũi và đồng hành cùng bé. Bắt đầu bằng những bài tập và nhiệm vụ cô giáo yêu cầu bé phải hoàn thành, bạn hãy cùng con lên thời gian biểu, gỡ rối cho bé với những câu hỏi khó hay vấn đề còn khúc mắc. Cùng bé học bài, lấy những ví dụ minh họa dễ hiểu bằng hình ảnh giúp trẻ thêm hứng khởi học bài. Không nên nổi cáu hay đánh đòn bé khi dạy bé học vì điều đó sẽ khiến bé cảm thấy học hành là một điều thật đáng sợ. Nhẹ nhàng, tận tình chỉ bảo cho bé hiểu vấn đề theo cách này, cách khác để giúp bé thấy học như một niềm vui.
5. Không quá kỳ vọng vào con
Muốn con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang là mơ ước cha mẹ nhưng cần quan tâm đến khả năng của con, đừng vô tình gây căng thẳng cho trẻ mỗi khi phải đến lớp. Có không ít bậc cha mẹ quá kỳ vọng, luôn thúc ép con trẻ, khiến trẻ bị tự kỷ hoặc trầm cảm, rất nguy hiểm. Bạn chỉ nên động viên bé cố gắng hết sức, học cách bằng lòng với khả năng thực có của con mình vì mọi thành quả bé đạt được bằng sự nỗ lực hết mình đều đáng quý.
Bạn chỉ nên động viên bé cố gắng hết sức và hãy học cách bằng lòng với khả năng thực có của con
6. Cùng con chuẩn bị đồ dùng trước khi đến lớp
Đưa con đến lớp, cùng con soạn sách vở, dụng cụ học tập, quan tâm đến việc kèm cặp bé, giúp con giải quyết và hoàn thành tốt những bài tập được giao là cách giúp bé tự tin đến lớp.
7. Học không phải là "nhiệm vụ" duy nhất của bé
Dẫu biết, học hành là nhiệm vụ rất quan trọng với trẻ nhưng vui chơi cũng là hoạt động không thể thiếu với bé. Tùy theo độ tuổi của bé để quyết định thời lượng cân đối dành cho vui chơi và học tập. Học tập triền miên, cộng thêm nhiều áp lực sẽ khiến bé cảm thấy việc học hành là một cực hình và đến lớp học là một hình thức “tra tấn”. Dành thời gian cho con vui chơi, thư giãn, giúp con tăng cường thể chất, gần gũi với thiên nhiên, rũ bỏ mọi lo lắng, căng thẳng sau những giờ học tập, cũng là cách khoa học để bé phát triển trí não toàn diện nhất.