65 năm giải phóng Thủ đô: Tự hào những mốc son Thăng Long - Hà Nội

GD&TĐ - Mỗi độ tháng 10 về, mọi người dân Việt Nam lại hướng về Hà Nội với những tình cảm thiêng liêng và trìu mến. Nhân 65 năm giải phóng Thủ đô, cùng ThS. Trần Trung Hiếu - GV trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An ôn lại những mốc son chói lọi của Thăng Long - Hà Nội qua hơn 1.000 năm lịch sử.

Tháp rùa - Hồ Gươm, một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Hà Nội.
Tháp rùa - Hồ Gươm, một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Hà Nội.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị trí đặc biệt, là chứng nhân lịch sử trước nhiều biến cố thăng trầm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Mở đầu cho quá trình dần định hình kinh đô Thăng Long là sự kiện An Dương Vương xây thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Đây là công trình quân sự đầy sáng tạo và kỳ vĩ của dân tộc ta.

Cổ Loa được coi là kinh đô thứ 2 của đất Việt sau kinh đô Phong Châu (Phú Thọ) thời các vua Hùng. Đến thời Ngô Quyền đầu thế kỷ X, Cổ Loa một lần nữa trở thành kinh đô đất Việt.

Từ giữa thế kỷ V (454-456) trong thời Bắc thuộc, vùng đất Hà Nội được mang tên Tống Bình với tư cách là một huyện. Sau đó lúc thì thành một châu, khi lại thành một huyện lớn. Đến năm 627, huyện Tống Bình trở thành trị sở của Giao Châu.

Năm 679, nhà Đường lập “An Nam đô hộ phủ”, đặt chức Kinh lược sứ An Nam quản 12 châu từ Bắc Bộ vào Bắc Trung bộ, trị sở cũng đặt tại Tống Bình. Vậy là từ thế kỷ VII, vùng Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đất nước ta.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã nhiều lần đổi tên. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ( Ninh Bình) ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, về hành chính thì đặt phủ Ứng Thiên, năm 1015 đổi gọi là Nam Kinh.

Cuối đời nhà Trần, vào năm 1397, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông dờì đô vào Thanh Hóa, đóng ở thành mới xây gọi là Tây Đô. Do vậy, Thăng Long trở thành Đông Đô.

Từ năm 1407 đến 1427, Đông Đô bị quân Minh chiếm đóng và chúng đổi tên là Đông Quan. Năm 1428, Lê Lợi giải phóng Đông Quan, đến năm 1430 đổi tên là thành Đông Kinh. Tuy vậy, cái tên Thăng Long vẫn được dùng.

Đời Lê Thánh Tông, thành Đông Kinh, tức kinh đô Thăng Long được gọi là phủ Trung Đô, rồi phủ Phụng Thiên. Đến đời Tây Sơn đóng đô tại Phú Xuân, gọi Thăng Long là Bắc thành.

Sang triều Nguyễn, Gia Long vẫn gọi là Bắc Thành nhưng đổi phủ Phụng Thiên là phủ Hoài Đức gồm 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm.

Phố phường Hà Nội rợp cờ hoa chào mừng 65 năm giải phóng.
 Phố phường Hà Nội rợp cờ hoa chào mừng 65 năm giải phóng.

Năm 1831, Minh Mạng tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn, xóa bỏ Bắc thành, lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân và tỉnh lỵ đóng ở phủ Hoài Đức, tức thành Thăng Long cũ, do đó Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội. Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ. Hà Nội nghĩa là phía trong sông, được bao bọc bởi 2 con sông Hồng và sông Đáy.

Ngày 25/8/1883, Triều đình nhà Nguyễn đã ký với Pháp 1 bản hiệp ước (lịch sử quen gọi là “Hiệp ước Harmand”) thừa nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp và chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Như vậy, tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội, tức kinh thành Thăng Long cùng với 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận đã thuộc quyền bảo hộ, tức cai trị của Pháp.

Tháng 7/1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội gồm đất đai tỉnh lỵ Hà Nội và xếp vào loại thành phố cấp 1. Đứng đầu thành phố là viên Đốc lý, 2 phó Đốc lý với một Hội đồng thành phố có tính chất tư vấn.

Ngày 1/10/1888, thực dân Pháp ép vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhường hẳn cho Pháp quyền sở hữu hoàn toàn TP Hà Nội. Đến năm 1896, Pháp bắt các quan của triều đình dời tỉnh lỵ Hà Nội vào Cầu Đơ (nay là quận Hà Đông) rồi gọi tỉnh Hà Nội là tỉnh Cầu Đơ.

Ngày 4/11/1954, Hà Nội chính thức thành lập các Ủy ban hành chính các quận gồm có 4 quận nội thành và 34 khu phố, 4 huyện ngoại thành.

Đến ngày 29/5/2008, Quốc Hội khóa XII quyết định mở rộng diện tích Thủ đô, nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào Hà Nội. Hiện Thủ đô của chúng ta gồm 10 quận, 1 thị xã và 18 huyện.

Với nền tảng hơn 1000 năm văn hiến, Hà Nội đã và đang phát triển vững mạnh về kinh tế và văn hóa, xứng đáng là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam và là một trong những “từ khóa” hàng đầu trong tâm thức và tìm hiểu của bạn bè quốc tế khi nhắc tới Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ