6 tháng năm 2016 - nắng nóng kỷ lục của Trái Đất

Theo cơ quan NASA, 6 tháng đầu năm 2016 là những tháng nóng nhất trong lịch sử khí hậu của Trái Đất đồng thời lập thêm mức kỷ lục mới về nền nhiệt độ trong khi tình trạng nóng lên toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp.

6 tháng năm 2016 - nắng nóng kỷ lục của Trái Đất
6 thang nam 2016 - nang nong ky luc cua Trai Dat - Anh 1

Mức nhiệt trung bình của 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục lập kỷ lục về nắng nóng. Ảnh: NOAA

Trong một cuộc họp báo, ông Gavin Schmidt, Giám đốc Trung tâm Goddard của NASA cho biết, nhiệt độ trung bình của những tháng đầu năm nay quá cao.

Giám đốc Trung tâm Goddard nhận định, năm 2015 là một năm rất nóng nhưng năm 2016 còn có thể nóng hơn nữa.

Kể từ tháng 1 cho đến tháng 6, nhiệt độ trên bề mặt trái đất và đại dương đã vượt mức kỷ lục năm 2015 là 0,2ºC và vượt mức nền nhiệt trung bình của thế kỷ trước là 1,05ºC.

Theo các nhà khí tượng, 6 tháng đầu năm 2016 là những tháng nóng nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi chép lại nền nhiệt vào năm 1880.

Tháng 6 vừa rồi tiếp tục là tháng nắng nóng kỷ lục và đồng thời là tháng thứ 14 liên tiếp có nền nhiệt kỷ lục được ghi nhận trên hành tinh.

Các nhà khí tượng cho biết, trong 137 năm qua, đây là khoảng thời gian kéo dài liên tục nhất của hiện tượng gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.

Ông Schmidt xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, trung bình, nhiệt độ cao hơn 1,3ºC so với mức nhiệt cuối thế kỷ XIX.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Schmidt cho biết, hiện tượng El Nino xuất hiện từ năm ngoài và chuẩn bị kết thúc đóng góp vai trò khoảng 40% đến tình trạng nắng nóng kỷ lục so với năm 2015.

60% còn lại chủ yếu là do lượng khí phát thải trong khí quyển cùng vài yếu tố khác.

Các nhà khí tượng dự báo, việc El Nino chuẩn bị kết thúc và sự xuất hiện ngắn của hiện tượng La Nina sắp tới khiến cho năm 2017 bớt nóng hơn nhưng xu hướng nóng lên toàn cầu vẫn sẽ tiếp diễn dài hạn.

Đáng chú ý, hiện tượng nóng lên toàn cầu đo được ở hầu hết các nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Bắc Cực và trên bề mặt các đại dương như tại khu vực trung và nam Thái Bình Dương, tây bắc và tây nam Đại Tây Dương, một phần phía đông bắc của Ấn Độ Dương.

Và Bắc Cực chính là nơi có thể quan sát rõ nhất tác động của hiện tương nóng lên toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, lượng băng trung bình của tháng 6 là 11,3% tương đương 1,3 triệu km², dưới mức trung bình được ghi nhận từ năm 1981 đến 2010

Được biết, kể từ đầu những năm 1980, lượng băng giảm xuống theo tỷ lệ 13,4% mỗi thập kỷ./.

Theo Nghệ An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ