6 loại ung thư dễ phát hiện sớm

Ung thư rất khó chẩn đoán sớm, việc phát hiện muộn ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị. Tuy nhiên, nếu quan tâm đến cơ thể, bạn có thể kiểm soát được một số chủng bệnh từ sớm.

6 loại ung thư dễ phát hiện sớm

Việc phát hiện muộn là một trong số những lý do khiến cho căn bệnh ung thư trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết nhiều loại bệnh ung thư xuất phát ở những vị trí dễ tiếp cận như da, đại trực tràng, cổ tử cung, thuận lợi cho việc thăm khám. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được chữa khỏi.

Các loại ung thư dễ phát hiện

Ung thư vú: Là loại ung thư chiếm tới 35% trong các bệnh ung thư ở nữ. Nếu phát hiện ở giai đoạn 0 (lâm sàng), tỷ lệ khỏi bệnh là 100%, các giai đoạn sau, tỷ lệ này giảm dần.

Ung thư cổ tử cung: Mọi phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục, 3 năm nên khám sàng lọc 1 năm/lần, kể cả phụ nữ đã cắt tử cung bán phần (còn cổ tử cung). Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, sau 3 lần khám âm tính liên tiếp, có thể khám 2-3 năm/lần.

Ung thư đại trực tràng: Là bệnh đang có xu hướng tăng mạnh ở nước ta trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 3 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở nhiều nước trên thế giới.

Ung thư tuyến tiền liệt: Là bệnh có tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt nhờ khám sàng lọc phát hiện sớm.

Ung thư khoang miệng: Bệnh liên quan nhiều tới hút thuốc lá, ăn trầu, uống rượu…

Ung thư da: Dễ chẩn đoán bằng mắt thường, có thể điều trị khỏi hẳn.

Các ung thư khác như dạ dày, gan, phổi là những bệnh thường gặp nhưng khó sàng lọc, phát hiện sớm. Do đó, cách tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế hút thuốc lá, uống rượu. Người có tiền sử bệnh tiêu hóa, nghiện thuốc lá, nghiện rượu nên đi khám bệnh định kỳ.

Khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh

Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), căn bệnh này đang trở thành gánh nặng trên toàn cầu. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư là lời khuyên của các chuyên gia về ung bướu để giảm thiểu mối nguy cơ đang bùng phát của căn bệnh này.

Theo TS.BS Hoàng Đình Chân, mục đích của việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện ra những khối u nhỏ, còn khu trú và chưa lan rộng xung quanh. Khi đó việc cắt bỏ khối ung thư đã đạt tỷ lệ thành công 60% trong phác đồ điều trị. Ngoài ra, đây là biện pháp phòng bệnh tốt nhất giúp tìm ra bệnh khi chưa có khả năng “lang thang” trong cơ thể con người.

Theo lời khuyên của bác sĩ Chân, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu vết loét lâu liền; ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; u trên cơ thể; hạch to lên bất thường; chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; ù tai, nhìn một thành hai; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân… cần đi khám ngay.

Thông thường, việc khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm ung thư được áp dụng ở người trưởng thành, nhất là lứa tuổi trung niên từ 40 đến trên 60 tuổi. Đây là lứa tuổi dễ bị tác động bởi nhiều loại ung thư.

Người đi khám sức khỏe định kỳ cần kể rõ tình hình sức khỏe, những dấu hiệu bất thường, tiền sử bệnh tật của các thành viên trong gia đình… để giúp bác sĩ tư vấn, phát hiện bệnh chính xác hơn.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ