6 loại tai nạn hay gặp nhất ở trẻ em và cách phòng ngừa

GD&TĐ - Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên một tuổi tại Anh - và giết chết nhiều hơn cả bệnh bạch cầu và viêm màng não.

6 loại tai nạn hay gặp nhất ở trẻ em và cách phòng ngừa

Ngã, bỏng, sặc, ngạt, ngộ độc và đuối nước là 6 tai nạn phổ biến nhất ở trẻ em.

Tuy nhiên, có những biện pháp phòng ngừa an toàn đơn giản mà tất cả các hộ gia đình có thể dễ dàng áp dụng để giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị tai nạn.

Trẻ em không nên được bao bọc quá mức vì chúng cần phải học cách đo lường các rủi ro và những vết sưng và bầm tím là không thể tránh khỏi trong quá trình lớn lên lành mạnh của trẻ.

Song điều vô cùng quan trọng là phải có kiến thức để dự đoán và ngăn ngừa những thương tích nghiêm trọng có thể gây ra những tổn thương lâu dài và để lại những hậu quả ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ.

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên một tuổi tại Anh
Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên một tuổi tại Anh

Đi trước một bước

Trẻ em phát triển với tốc độ khác nhau; chúng đạt tới các mốc quan trọng vào những thời điểm hoàn toàn khác nhau và một số hoàn toàn bỏ qua những giai đoạn nhất định.

Bạn sẽ hiểu rõ con mình nhưng có thể không lường trước được vào thời điểm nào bé sẽ đột ngột biết lật, biết bò hoặc với tới tầm cao mới.

Thật phấn khởi khi nhìn thấy con cái lớn lên nhanh như thế nào, và đạt tới những bước phát triển mới như cầm nắm đồ vật, lẫy, bò, đứng, leo trèo, mở chai và xoay tay cầm.

Tuy nhiên, đó là khi những khả năng mới này khiến chúng ta ngạc nhiên bởi những tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra.

Khi trẻ còn nhỏ, bạn sẽ thường xuyên đón tiếp những anh chị em họ lớn hơn của bé và con của bạn bè. Điều này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về những giai đoạn phát triển tiếp theo của em bé nhà bạn.

Những thứ mà con bạn không quan tâm, hoặc ở xa tầm với của bé, sẽ trở thành “nguồn cảm hứng” cho các vị khách.

Dự đoán nguy cơ là vô cùng hữu ích vì nhờ đó bạn sẽ chủ động trong cuộc chiến để giữ an toàn!

Phòng ngừa té ngã

• Không bao giờ để em bé trong ghế nôi hoặc ghế ngồi xe hơi trên bề mặt nhô cao.

• Cần luôn thắt đai an toàn cho trẻ vào ghế cao, xe đẩy và ghế ngồi trên xe hơi.

• Luôn giữ tay vịn khi mang em bé lên và xuống cầu thang.

• Lắp cổng an toàn vào cầu thang trước khi bé bắt đầu biết bò và đảm bảo cầu thang không có đồ vật rơi vãi.

• Dạy bé nằm sấp khi bò xuống cấu thang.

• Lắp khóa an toàn cho cửa sổ.

• Không bao giờ để ghế, chậu cây lớn hoặc đồ nội thất gần cửa sổ, bề mặt làm việc, ban công hoặc bất cứ nơi nào nguy hiểm mà trẻ có thể trèo lên.

• Gắn chặt an toàn - đặc biệt là tủ sách, tủ ngăn kéo và TV - vào tường để đề phòng chúng bị đổ và đè vào trẻ nếu trẻ định trèo lên.

• Không nên dùng giường tầng cho trẻ dưới 6 tuổi.

• Nơi an toàn nhất để thay tã cho em bé là trên sàn nhà – cực kỳ cảnh giác khi sử dụng bàn thay tã.

Phòng ngừa bỏng

• Lò vi sóng gia nhiệt không đều. Loại bỏ các điểm nóng khi đun nóng chai hoặc thức ăn bằng cách lắc hoặc đảo thật kỹ. Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho trẻ ăn hoặc cho em bé bú.

• Xả nước lạnh trước vào bồn tắm để ngăn đáy bồn tắm không bị quá nóng. Sử dụng nhiệt kế tắm cũng như tự kiểm tra nhiệt độ trước khi tắm cho bé. Lý tưởng nhất là lắp bộ điều nhiệt hoặc bộ điều chỉnh nhiệt độ cho vòi tắm.

• Để đồ uống nóng xa tầm với, sử dụng ấm đun nước có tay cầm ngắn và giữ nó ở sâu trên bề mặt làm việc.

• Không uống nước nóng khi đang bế em bé và không bao giờ uống nước nóng trên đầu bất cứ ai. Đồ uống đã để nguội 15 phút vẫn có thể đủ nóng để gây bỏng cho em bé.

• Sử dụng các vòng bếp phía trong, xoay tay cầm xoong chảo ra khỏi mép bàn bếp.

• Lắp máy báo cháy và lưới tản nhiệt, tắt các thanh treo khăn có sưởi.

• Rất cẩn thận với bàn là, máy duỗi tóc và các dụng cụ làm nóng khác, giữ các thiết bị này và phần kéo dài của chúng ở xa tầm tay. Nhớ thời gian cần để chúng nguội đi.

Phòng ngừa sặc

• Cất các đồ vật nhỏ và tất cả các loại pin ngoài tầm với của trẻ.

• Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ.

• Trông chừng trẻ khi ăn, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi.

• Không khuyến khích trẻ lớn ăn chung thức ăn với trẻ nhỏ.

Trẻ em không nên được bảo bọc quá kỹ mà vẫn cần chấp nhận rủi ro
Trẻ em không nên được bảo bọc quá kỹ mà vẫn cần chấp nhận rủi ro

Phòng ngừa ngạt

• Không sử dụng chăn và gối cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

• Giữ các loại khăn mềm và các đồ vật nhỏ xa khỏi tầm với của trẻ. Nếu vớ được chúng, trẻ có thể dễ dàng bị ngạt thở vì trẻ không đủ khéo léo để bỏ chúng ra khỏi mặt.

• Không để vật nuôi lại gần trẻ nhỏ và không bao giờ để vật nuôi ở mọt mình với trẻ mà không có người trông nom.

• Không bao giờ treo túi dây rút trên cũi trẻ em, tránh loại đệm quây buộc quanh cũi và sử dụng kẹp hoặc rèm không dây.

• Giữ các loại túi ny-lông và bao bì ngoài tầm tay và vứt bỏ chúng một cách cẩn thận.

• Không đeo dây chuyền hoặc núm vú giả quanh cổ em bé.

Phòng ngừa ngộ độc

• Một số loại hóa chất gia dụng phổ biến cực độc đối với trẻ và có thể gây co giật, nôn mửa, mờ mắt, sốc phản vệ cấp tính và có thể gây tử vong.

• Cất tất cả các chất có thể gây hại ngoài tầm với của trẻ nhỏ và tốt nhất là trong tủ có khóa. Những thứ này bao gồm viên rửa dùng cho máy rửa bát, thuốc, rượu, mỹ phẩm, đồ thủ công, dọn sạch các sản phẩm làm vườn và thực vật có khả năng gây độc.

• Không bỏ thuốc hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác vào loại đồ đựng khác. Luôn sử dụng đồ đựng đúng của nó, dán nhãn rõ ràng, tốt nhất là với với nắp đậy ngăn trẻ nhỏ.

• Cất pin ngoài tầm với của trẻ và đảm bảo pin trong đồ chơi luôn được giữ chắc chắn. Pin có thể làm bỏng ruột của trẻ, gây ra tổn thương không thể phục hồi.

• Lắp chuông báo carbon monoxit và kiểm tra thường xuyên các thiết bị và chuông báo.

• Thu dọn gọn gàng ngay sau bữa tiệc vì trẻ có thể là người đầu tiên thức dậy, uống nốt những đồ uống còn thừa và làm vô số thứ khác trước khi bạn kịp tỉnh táo.

• Cẩn thận với túi xách của khách khứa mà trẻ có thể tiếp cận được vì chúng có thể chứa những thứ nguy hiểm tiềm tàng gây chết người bên trong.

• Chọn các sản phẩm làm sạch có chứa Bitrex tạo vị đắng để ngăn cản trẻ uống các chất này. Trẻ có thể dễ dàng nhầm lẫn giữa viên/túi rửa bát hoặc máy giặt với kẹo – không để chúng chơi trong khu vực này và không để trẻ trước cửa máy giặt. Các sản phẩm tẩy rửa thường có tính kiềm ạnh và gây bỏng.

• Không để trẻ ăn bất kỳ thứ cây nào trong nhà, trong vườn hoặc về quê.

• Cất giữ thuốc cẩn thận, đặc biệt là với thuốc tránh thai và thuốc giảm đau thường được cất giữ trong tủ đầu giường.

Phòng ngừa đuối nước

Trẻ em cần luôn được giám sát vì trẻ có thể bị chết đuối trong một lượng nước rất nhỏ, chỉ một vài xăng-ti-mét. Không được để trẻ một mình trong bồn tắm, ngay cả trong thời gian rất ngắn. Thận trọng xung quanh bêt bơi và ao hồ, nhưng nơi nầy cần có các tính năng an toàn, chẳng hạn như hàng rào và cổng. Đuối có thể xảy ra rất nhanh và lặng lẽ (không giống như cách nó được miêu tả trong phim) và gây ra nhiều trường hợp tử vong thương tâm mỗi năm.

Nếu bạn thích nghịch nước với trẻ, luôn đổ hết nước trong bát và xô ngay sau khi chơi xong.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ