6 loài động vật có khả năng hồi sinh trong tương lai

Các nhà khoa học hi vọng có thể làm sống dậy voi ma mút Woolly, dê rừng Pyrénées... đã tuyệt chủng hàng trăm, ngàn năm trước.

6 loài động vật có khả năng hồi sinh trong tương lai

Có bao giờ bạn ngồi xem “Công viên kỷ Jura” (Jurasic Park) hay “Kỷ băng hà” (Ice Age) và tưởng tượng rằng, sẽ tuyệt thế nào khi một ngày nào đó bạn được tận mắt chứng kiến những loài động vật cổ đại đó bằng xương bằng thịt, chứ không chỉ là những mô hình hay đồ họa 3D. Thật bất ngờ là điều này hoàn toàn có thể trở thành sự thật trong tương lai không xa.

Cha con nhà khoa học George và Hendrik Poinar đã cống hiến một bước tiến quan trọng trong ngành sinh học khi là những người đầu tiên sáng tạo ra phương pháp mới chiết tách và phân tích trình tự ADN cổ đại. Tuy nhiên để tiêm những ADN được di truyền đó vào các sinh vật sống và nhân bản chúng hiện vẫn còn là một giai đoạn đầy thử thách.

Phương pháp hồi sinh này có thể giải thích đơn giản là tiêm bộ ADN của những loài đã tuyệt chủng vào một cá thể “họ hàng xa” của chúng hiện đang tồn tại; sau đó tiến hành đột biến gene của loài vật thí nghiệm để phù hợp tương đối với ADN của loài vật đã tuyệt chủng.

Cá thể mới tạo ra này tất nhiên sẽ không thể giống y như loài vật ban đầu, nhưng ít nhiều sẽ mang những đặc điểm đặc trưng nhất của giống loài mình trong quá khứ. Ví dụ như cặp ngà cong vút của voi ma-mút hay đôi nanh dài của loài hổ răng kiếm.

Dưới đây là danh sách 6 loài động vật có khă năng hồi sinh và các ứng cử viên “nặng kí” đủ tiêu chuẩn để cấy ADN của chúng.

1. Dê rừng Pyrénées

 

Loài vật đầu tiên có tên trong danh sách là dê rừng Pyrénées, từng rất phổ biến trong dãy núi Cantábrica, miền Nam nước Pháp và ở phía Bắc dãy Pyrénées. Chú dê đực mang cặp sừng to và cong vòng ra hai bên, con cái thì sở hữu sừng ngắn và thẳng.

Năm 2003, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tiến hành tiêm các hạt nhân nguyên vẹn từ cá thể dê rừng Pyrénées cuối cùng vào 400 tế bào trứng đã rút nhân của một chú dê cái hoang dã đặc hữu của vùng núi Pháp. Sau đó, họ cũng thử cấy những quả trứng đã thay thế nhân này vào một loài dê rừng Tây Ban Nha.

Kết quả là, sáu trong số bảy bào thai đã chết non ngay từ trong bụng mẹ, còn lại một bào thai cuối cùng được các nhà khoa học cứu vớt bằng cách mổ đẻ nhưng cũng không may mắn ra đi chỉ 10 phút sau khi được lấy ra ngoài. Các nhà nghiên cứu cho biết, họ sẽ không từ bỏ và sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm khác.

2. Voi ma mút Woolly

 

Hiện tại voi ma mút Woolly (hay còn gọi là ma mút lông dài) là loài vật tiến được xa nhất trên con đường hồi sinh các loài động vật tuyệt chủng.

Ma mút Woolly từng sống ở vùng đảo Wrangel, Bắc Băng Dương 4.000 năm về trước. Các nghiên cứu về di truyền cho thấy, ma mút Woolly có họ hàng gần với voi châu Á.

Các chuyên gia đang chuẩn bị công bố mẫu gene đầy đủ của loài động vật khổng lồ này. Cùng với đó, nhà di truyền học thuộc Đại học Harvard - George Church sẽ phối hợp cùng với các chuyên gia khác để tạo ra mẫu gene cụ thể của ma mút Woolly bao gồm: tóc, nanh, lớp mỡ dưới da, khả năng kháng lạnh, và cấy vào các tế bào voi châu Á.

Tuy nhiên quá trình này chắc chắn sẽ còn lâu dài, bởi theo dự tính phải mất đến 20 năm gieo cấy mới có thể tạo ra một cá thể voi mang 9% gene voi ma mút.

3. Bồ câu viễn khách

 

Bồ câu viễn khách (hay bồ câu rừng) là loài chim phổ biến ở Bắc Mỹ. Số lượng của chúng đã có lúc lên tới 3 tỷ con hoặc nhiều hơn, chỉ xếp sau loài châu chấu núi Rocky.

Bồ câu được biết đến là động vật có đời sống xã hội cao. Chưa từng có loài chim nào sống theo nhóm, đàn với số lượng lớn khủng khiếp đến vậy. Các nghiên cứu khoa học về giống chim này ghi lại rằng, đàn chim bồ câu viễn khách có lúc đông tới mức khi chúng bay đến đâu thì mặt đất nơi đó tối lại vì khuất bóng Mặt trời.

Tuy nhiên, bồ câu viễn khách lại bị xác nhận tuyệt chủng vào khoảng 200 năm trước, do bị săn bắn quá đà với quy mô lớn. Cá thể bồ câu viễn khách cuối cùng có tên là Martha đã qua đời tại vườn thú Cincinnati vào ngày 01 tháng 9 năm 1914.

Beth Shapiro - một nhà nghiên cứu ADN cổ đại tại Đại học California và Ben Novak - nhà sinh học quỹ Revive & Restore đã tích lũy được 88 mẫu bồ câu viễn khách từ bảo tàng.

Nhưng sẽ mất thời gian dài, vất vả khó khăn nghiên cứu để các chuyên gia có thể phân biệt được giữa gene của bồ câu viễn khách và bồ câu đá. Nhờ công nghệ nhân bản vô tính, chúng ta hi vọng rằng, loài chim này có cơ hội thứ hai sống sót.

4. Ếch dạ dày

 

Ấp trứng bằng dạ dày là đặc điểm khác thường của ếch thuộc giống Rheobatrachus ở Australia. Ếch cái đẻ trứng như bình thường, sau đó con đực sẽ phóng tinh trùng lên trứng để thụ tinh.

Tuy nhiên lúc này, con cái sẽ nuốt toàn bộ trứng đã thụ tinh vào bụng và ngưng hoạt động của enzyme phân hủy thức ăn trong dạ dày. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, nòng nọc sẽ phát triển trong dạ dày của mẹ. Sau một thời gian, ếch mẹ sẽ đẻ con ra bằng đường miệng.

Ếch mẹ thường ấp khoảng 24 trứng. Tới lúc sinh, những chú ếch con có thể chiếm đến gần 40% tổng trọng lượng cơ thể của ếch mẹ.

Theo các nhà khoa học, hai loài ếch có khả năng sinh sản đặc biệt này đã tuyệt chủng từ giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, năm 2011, một nhóm nghiên cứu tại Úc đã sử dụng cùng phương pháp nhân bản cừu Dolly để tạo ra phôi thai của ếch dạ dày.

Các nhà khoa học hiện đang cố gắng chuyển các phôi của loài ếch đã tuyệt chủng thành tế bào trứng của loài ếch Barried, nhưng cho đến nay, các phôi vẫn chưa phát triển thực sự đầy đủ.

5. Ngựa vằn Quagga

 

Ngựa Quagga là một phân loài đã tuyệt chủng của loài ngựa vằn đồng bằng từng sống tại Nam Phi. Ngựa Quagga có thân hình chỉ vằn nửa thân trước, còn nửa thân sau trông giống ngựa thường.

Ngựa Quagga được xem là một trong những loài vật tuyệt chủng nổi tiếng nhất của châu Phi.

Ngựa Quagga từng sinh sôi khá nhiều ở châu Phi để rồi trở thành nạn nhân của việc săn bắn trái phép, thịt và da của chúng rất có giá trị. Chú ngựa Quagga hoang dã cuối cùng đã bị bắn vào cuối thập niên 1870 và chú ngựa cuối cùng mất trong điều kiện nuôi nhốt vào ngày 12 tháng 8 năm 1883 tại vườn thú Artis Magistra ở Amsterdam, Hà Lan.

Trong thập niên 1980, nhà sinh vật học phân tử Allan Wilson của Berkeley đã tìm cách để nhân bản các gene của chúng từ những tấm da 140 năm tuổi của Quagga.

Quagga chính thức là một trong những động vật nằm trong danh sách hồi sinh của tổ chức phi lợi nhuận Revive & Restore, mặc dù phương pháp của họ không phụ thuộc vào công nghệ sinh học tiên tiến.

Thay vào đó, nhóm chọn giống ngựa vằn đồng bằng châu Phi hiện nay để cấy ADN, một con ngựa vằn thân nâu và ít sọc. Hy vọng rằng qua nhiều thế hệ biến đổi gene, một loài ngựa vằn nửa thân giống Quagga sẽ xuất hiện.

6. Chó sói Tasmanian

 

Chó sói Tasmanian là một loài thú ăn thịt có túi, bề ngoài giống như chó hoặc chó sói với những sọc vằn trên lưng giống như loài hổ với hình dạng đầu chó mình hổ.

Sinh vật này xuất hiện đầu tiên ở Úc và Papua New Guinea nhưng khoảng 2.000-200 năm trước, chúng biến mất trên đại lục Australia và chỉ còn tìm thấy ở đảo Tasmania, miền Nam Úc. Đây là loài thú có cú ngoạm mạnh gấp ba lần một con chó với cân nặng tương đương, những con vật nhỏ hơn lại có cú cắn mạnh hơn con lớn.

Năm 2000 các nhà nghiên cứu dự án Lazarus đã bắt đầu hồi phục và sắp xếp mẫu ADN của giống chó sói Tasmania đã tuyệt chủng từ mẫu vật trong bảo tàng.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Webb Miller - Đại học Penn State đã tìm thấy điểm tương đồng giữa bộ gene của chó sói Tasmania và Myrmecobius fasciatus - một loài thú ăn kiến bản địa có túi ở phía Tây Australia (bên phải). Tuy nhiên họ vẫn đang trong quá trình phân tích và chưa có kế hoạch cụ thể để hồi sinh loài này.

Theo Trí thức trẻ/DiscoveryMagazine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ