Một lãnh đạo của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết: Số lượng vàng 6 kg mà cơ trưởng và tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) mang bị phát hiện ở Busan (Hàn Quốc) có thể xuất phát từ các nguồn khác nhau.
Theo ông, có 3 khả năng xảy ra: một là vàng lậu lọt qua cửa soi chiếu ở Nội Bài; hai là không qua cửa soi chiếu rồi lên được máy bay; ba là cơ trưởng, tiếp viên nhận vàng ở Hàn Quốc và khi qua khâu kiểm tra an ninh thì bị phát hiện.
“Chúng tôi đang kiểm tra lại camera an ninh về quy trình soi chiếu tổ bay vào hôm đó để xác định lượng vàng có lọt qua khâu này hay không. Trường hợp nhân viên của cảng vụ làm sai quy trình, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công bố rõ ràng” - Ông này cho biết.
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, quy trình kiểm tra soi chiếu hàng hóa, hành lý mang lên máy bay có giám sát về an ninh và kiểm tra hàng cấm. Nếu an ninh được đảm bảo mà việc kiểm soát hàng cấm lơ là thì có thể số vàng 6 kg vẫn lọt lưới.
Tuy nhiên, lãnh đạo này phân tích, lượng vàng nhiều cân vàng mà giấu ở đế giày thì cơ trưởng, hay tiếp viên khó có thể đi tự nhiên qua máy soi chiếu từ Việt Nam vì quá nặng. Hơn nữa, vàng lậu được phát hiện ở Busan mang từ Việt Nam hay ở nguồn nào cũng cần xác minh rõ.
“Vàng xuất phát ở nguồn nào cũng cần xác minh từ chính hai người bị nghi vấn, xem họ mang đi ra sao và ai hỗ trợ” - Ông nói. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, cần thận trọng khi đưa các thông tin, bởi rõ ràng khó có chuyện xuất lậu vàng từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Lý do là giá vàng trong nước đang cao hơn so với quốc tế nên "buôn lậu là lỗ nặng".
Trong khi đó, sáng 16/4, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu
Cảng vụ Hàng không Miền Bắc rà soát lại quy trình thực hiện nghiệp vụ của bộ phận an ninh hàng không nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài.
Trên cơ sở báo cáo của Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cục Hàng không sẽ có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa xảy ra tình trạng tương tự.
Về phía VNA, đơn vị này khẳng định sẵn sàng hợp tác với phía Hàn Quốc để điều tra khi có yêu cầu. Nhưng đến nay, phía Hàn Quốc chưa đưa ra yêu cầu và không cung cấp bất kỳ thông tin gì về vụ việc. VNA khẳng định không bao che, tránh né và kiên quyết xử lý các nhân viên vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài vừa đi vào hoạt động từ tháng 12/2014, phục vụ các chuyến bay quốc tế với hệ thống an ninh sân bay có 5 cấp độ soi chiếu, hiện đại nhất cả nước.
Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng mang 4 thỏi vàng, tiếp viên mang 2 thỏi. Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1980, được cấp bằng lái năm 2010. Trước đó, phi công này từng là cơ trưởng của đội bay Fokker. Khi VNA cơ cấu lại đội bay, không sử dụng Fokker, phi công Dũng học chuyển loại để lái máy bay Airbus 320/321.
Theo cam kết của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, từ tháng 1/2015, mức lương cơ bản với phi công trong nước dao động 142 - 203 triệu đồng mỗi tháng tùy loại máy bay. Mức này sẽ tăng tương ứng 158 - 217 triệu đồng vào nửa cuối năm nay.
Theo kienthuc.net.vn