6 điểm mấu chốt trong giáo dục kỹ năng sống

GD&TĐ - Lựa chọn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng lựa chọn và quyết định làm khâu đột phá trong giáo dục kỹ năng sống, thầy Nguyễn Như Diễn - Giáo viên Trường THPT Bắc Bình (Bình Thuận) - đồng thời chia sẻ 6 điểm nhấn đáng chú ý khi thực hiện nội dung giáo dục này.

6 điểm mấu chốt trong giáo dục kỹ năng sống

Chú ý đến các xu hướng lệnh lạc

Điều đầu tiên, theo thầy Nguyễn Như Diễn, là giáo viên cần chú ý các xu hướng lệch lạc trong học sinh khi hình thành kỹ năng sống.

Một số biểu hiện của điều này như: Chỉ chơi với nhóm nhỏ, thói quen tự khép kín hoặc lập dị, vô cảm trước cái xấu, thụ động trước sự thay đổi của hoàn cảnh...

Biện pháp tốt nhất là dùng sức mạnh tập thể, tổ chức các hoạt động thiết thực và tình cảm lành mạnh để chuyển hóa các xu hướng đó theo hướng tích cực.

Hiểu để có tác đôngh đúng

Lưu ý thứ 2, thầy Nguyễn Như Diễn cho rằng, giáo viên cần hiểu học sinh để có những tác động đúng, nếu không việc giáo dục kỹ năng sống sẽ trở nên xơ cứng, hình thức, thậm chí phản tác dụng.

Hiểu học sinh, tạo sự hấp dẫn và kích thích hứng thú... là cơ sở để lập kế hoạch giáo dục kỹ năng sống, chỉ đạo hoạt động chủ nhiệm, phát huy sức mạnh từ các lực lượng giáo dục.

Trong kế hoạch, tên gọi của các chủ điểm, khẩu hiệu cho một hành động cần có tính thôi thúc, đập mạnh vào nhận thức, mang lại ấn tượng và sự cổ vũ cao.

Ví dụ: “Tầm nhìn 2015, năm 2015, tôi là ai?”,“Tập vở nhỏ cho một tình bạn lớn”... Mặt khác, có thể tạo ra các hoạt động mang tính truyền thống trong kế hoạch. Đó là các hoạt động được lặp lại, tiếp tục được làm mới theo từng năm học.

Điều này giúp cho các kỹ năng sống của học sinh được dịp củng cố, được bồi dưỡng bổ sung và nâng cao.

Kỹ năng giao tiếp làm mũi nhọn

Trong một thế giới phẳng, tràn ngập thông tin, đầy biến động với nhiều thay đổi, nhiều giá trị để lựa chọn, rõ ràng, nhiều lúc học sinh phải tự mình quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Thầy Nguyễn Như Diễn cho rằng, nếu học sinh có kỹ năng giao tiếp làm mũi nhọn, các em sẽ có nhiều cơ hội để chia sẻ, điều chỉnh và do đó sẽ có nhiều khả năng hành động theo nhận thức, đáp ứng được thách thức của cuộc sống.

Phát huy vai trò nhiều lực lượng

Từ thực tế tổ chức giáo dục kỹ năng sống, thầy Nguyễn Như Diễn thấy rằng: Vai trò của giáo viên chủ nhiệm là quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn có vai trò tạo mối liên kết và củng cố các biện pháp. Lớp học thân thiện mang vai trò là môi trường sống cơ bản của học sinh trong trường học;

Các hoạt động tập thể có tác dụng tập và rèn luyện các kỹ năng giải quyết các tình huống. Với cha mẹ học sinh, phải thường xuyên trực tiếp kiểm tra và uốn nắn con em mình.

Sự nhận thức đúng đắn và thống nhất

Giáo dục kỹ năng sống muốn thành công cần phải có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất từ các lực lượng giáo dục, trước hết là từ đội ngũ thầy cô giáo.

Nhà trường phải tích cực bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên dưới nhiều hình thức: giải quyết tình huống sư phạm, mở câu lạc bộ kỹ năng, chia sẻ tài nguyên kỹ năng sống,...

Điểm mấu chốt: Tạo quỹ thời gian

Điều cuối cùng thầy Nguyễn Như Diễn nhấn mạnh đó là phải tạo quỹ thời gian cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

Việc tập trung cho chuyên môn, sự quá tải của hoạt động dạy học luôn làm cho giáo viên và học sinh căng thẳng, mệt mỏi và không muốn tham gia các hoạt động khác.

Dạy người thông qua dạy chữ, đôi khi bị biến chất thành dạy chữ là quan trọng, là chủ yếu!

Để có quỹ thời gian, giáo viên có thể tận dụng hiệu quả các tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt chủ nhiệm.

Bên cạnh đó, lập và chi tiết hóa ngay từ đầu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho một năm học. Tính hệ thống và hợp lý của kế hoạch đã tiết kiệm được thời gian, giúp cho mọi người tham gia một cách chủ động.

Cùng với những điểm nhấn trên, thầy Nguyễn Như Diễn cho rằng: Trong trường học có nhiều hoạt động, nhiều mục tiêu và nhiều yêu cầu phải cùng được giải quyết.

Do đó, chúng ta phải có sự sắp xếp hợp lý, tránh dàn trải và “quá tải”.

“Chúng tôi đã chọn giáo dục kỹ năng giao tiếp làm bước đột phá cho nhiệm vụ lớn hơn: giáo dục kỹ năng sống, trên cơ sở tạo ra kỹ năng và nhu cầu giao tiếp để học sinh có thể tự mình hành động và quyết định theo nhận thức, tự mình lựa chọn được những giá trị thích hợp trước những thử thách của cuộc sống” - Thầy Diễn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ