579 người khuyết tật được đào tạo nghề từ Dự án ITTP

GD&TĐ - Sáng nay (23/8), Trường ĐH Văn Lang tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm Dự án đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật (ITTP). 

579 người khuyết tật được đào tạo nghề từ Dự án ITTP
579 người khuyết tật được đào tạo nghề từ Dự án ITTP ảnh 1579 người khuyết tật được đào tạo nghề từ Dự án ITTP ảnh 2579 người khuyết tật được đào tạo nghề từ Dự án ITTP ảnh 3

Dự án ITTP do Trường ĐH Văn Lang thực hiện từ năm 2009, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) nhằm đào tạo những kỹ năng Tin học chuyên ngành cho thanh niên khuyết tật và hỗ trợ họ có được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, USAID, Tổ chức CRS, Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, các doanh nghiệp BAC (Business Advisory Counsil) và cựu học viên ITTP.

Trong 5 năm qua, Dự án ITTP được triển khai tại Trường ĐH Văn Lang trải qua 3 giai đoạn. Dự án tổ chức các khóa học về CNTT cho học viên là người khuyết tật ở các tỉnh Đà Nẵng trở vào. Mục tiêu của Dự án là đào tạo nghề và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập hoàn toàn với xã hội.

Từ năm 2009 đến nay, Dự án đã đào tạo được 579 học viên khuyết tật với các chuyên ngành Lập trình viên quốc tế, Thiết kế đồ họa, Họa viên kiến trúc, Giáo viên tin học cộng đồng dành cho người khiếm thị. Hơn 80% học viên tốt nghiệp đã có việc làm. Tổng phí triển khai dự án qua 3 giai đoạn trên 21,2 tỷ đồng, trong đó phía USAID đóng góp hơn 12,2 tỷ đồng, phía Trường ĐH Văn Lang đối ứng hơn 8,9 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, NGND-TS Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như ý nghĩa nhân văn mà Dự án mang lại với cộng đồng. TS Mai mong muốn sau khi tổng kết 5 năm triển khai dự án sẽ vẫn được nhà trường tiếp tục triển khai.

Thay mặt nhóm đánh giá độc lập, ông Nguyễn Bao Cường - Đại diện Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật VN (Bộ LĐ-TB&XH) - nhận định: Mô hình ITTP đã đem lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, góp phần thúc đẩy quá trình hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, đồng thời góp phần quan trọng để Văn Lang trở thành một trường ĐH thân thiện với cộng đồng. Vì vậy việc duy trì sự hoạt động của dự án ITTP là rất cần thiết.

Kết luận báo cáo tổng kết 5 năm triển khai dự án, TS Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường - đề xuất xin Bộ GD&ĐT cho phép tiếp tục thực hiện Dự án ITTP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ