57% số hộ gia đình sống bằng lương

57% số hộ gia đình sống bằng lương

(GD&TĐ) Theo khảo sát của Dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và TP.HCM”, có tới 57% số hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ lương, trong khi mức lương trung bình của hai thành phố này chỉ đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập trung bình 2,4 triệu đồng/tháng

8% số hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông - lâm sản và 13,4% từ nguồn thu nhập khác. Đáng chú ý là trong khi có tới 57% số hộ có nguồn thu nhập chính từ lương thì mức lương trung bình của cả hai thành phố này chỉ đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, mức thu nhập này ngày càng có sự chênh lệch lớn với mức trung bình của nhóm hộ nghèo là 805.000 đồng/người/tháng và mức trung bình của nhóm hộ có mức thu nhập cao là 5,2 triệu đồng/người/tháng.

57% số hộ gia đình sống bằng lương ảnh 1
Thu nhập bình quân của người lao động của hai thành phố chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/tháng (ảnh minh họa). 

Trong khi đó, chi phí sinh hoạt bình quân một nhân khẩu ở Hà Nội hiện tại khoảng 950.000 đồng/tháng và tại TP.HCM là 1,03 triệu đồng. Điều đáng nói là, đối với người lao động ngoại tỉnh, chi phí có thể gấp 1,2 đến 1,3 lần mức bình quân trên, do phải thuê nhà và chi những khoản phụ phí khác. Điều đó cho thấy, mức lương hiện nay của người lao động đang quá thấp so với chi phí sinh hoạt. Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động hiện nay.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển các nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, thuỷ sản… và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này đã thu hút hàng triệu lao động. Nhưng tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với “cơn khát” lao động trầm trọng, nhất là lao động phổ thông.

Thu nhập của người lao động có tăng?

Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2011, khu vực doanh nghiệp sẽ bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu mới. Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, lương tối thiểu cao nhất sẽ là 1,35 triệu đồng/tháng (mức cũ là 980.000 đồng) và thấp nhất là 830.000 đồng/tháng (mức cũ là 730.000 đồng). Tương tự, ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức cao nhất là 1,55 triệu đồng/người/tháng (hiện tại là 1,34 triệu đồng) và mức thấp nhất là 1,1 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù mức lương tối thiểu của người lao động đã được nâng lên, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đều đang áp dụng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu mới. Do vậy, lương thực lĩnh của người lao động sẽ không tăng. Có chăng, việc tăng lương tối thiểu lần này chỉ khiến doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho tiền bảo hiểm xã hội, y tế... làm tăng chi phí đầu vào, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, quy định lương tối thiểu của Nhà nước chỉ là giá đỡ để bảo vệ nhóm lao động làm những công việc giản đơn nhất, theo đó, doanh nghiệp không được phép trả thấp hơn, nhằm đảm bảo cho người lao động một cuộc sống tối thiểu. Quan trọng là doanh nghiệp và người lao động tự đàm phán về mức lương phù hợp. Để giải bài toán thiếu lao động hiện nay, không thể chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, mà quan trọng hơn, doanh nghiệp phải tính toán để đưa ra mức lương cùng các chế độ ưu đãi thoả đáng đối với người lao động.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ