Bám mẹ là biểu hiện bình thường trong quá trình lớn lên của bé.
Nếu câu trả lời là ‘có’ thì bạn hãy cố gắng chuyển thành ‘không’ để rèn cho con tính tự lập nhé!
1. Mẹ có cảm thấy tội lỗi khi phải rời đi trong lúc con khóc lóc không?
Bạn sẽ phải rời con một chốc lát, để thực hiện những sinh hoạt cá nhân bình thường. Hoặc bạn chuẩn bị gửi bé cho ông bà, người giúp việc để đi làm trở lại. Cũng có thể bé đã bắt đầu đến tuổi đi học mầm non…
Ở thời điểm nào, việc bé khóc lóc, kích động vì phải rời xa mẹ là không thể tránh khỏi.
Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường mà các bé sẽ thể hiện trong quá trình phát triển tâm lý của mình.
Các bé, bắt đầu từ 3 tháng tuổi, cần phải được hướng dẫn để làm quen với khái niệm về ‘khoảng cách’ giữa bé và mẹ.
Bé cần học rằng mẹ sẽ không phải lúc nào cũng ở bên cạnh, học cách thích nghi, học cách tự trấn an trong tình huống này.
Tất nhiên, bạn sẽ cảm thấy ‘xót’ con khi con khóc lóc. Nhưng đừng ‘xót’ con quá đến mức nhịn đi vệ sinh 3 giờ liền chỉ vì không gửi con được cho ai, hoặc nhịn ăn trưa đến tận 1h30 chiều chỉ vì không dỗ được con tự chơi.
Vì vậy, hãy dứt khoát một chút. Khi cần phải rời khỏi một em bé đang khóc lóc, bạn hãy cứ đi. Chỉ cần đảm bảo bé vẫn được an toàn (đã được đặt trong cũi, có người để mắt giúp…)
2. Mẹ có nghĩ là chuyện này sẽ gây tổn thương cho con không?
Thực ra, câu hỏi này khá khó để trả lời. Ở mức độ nào đó, ví dụ trẻ khóc đòi theo mẹ mà bị mẹ ngó lơ, bỏ mặc suốt 10 phút đồng hồ ngay từ lần đầu tiên, thì câu trả lời là ‘Có’.
Bé cần học để hiểu rằng: Ngoài mẹ, vẫn có những người khác có thể giúp bé cảm thấy ấm áp.
Nhưng nếu bạn giúp con làm quen dần dần, mỗi lần kéo dài thời gian xa con một chút – thì câu trả lời là ‘Không’.
Ban đầu, có thể trấn an con bằng cách trong lúc con ở ngoài tầm nhìn mẹ vẫn nói vọng vào để con nghe được tiếng mẹ.
Bạn đừng cố tình lơ đi cảm giác bị stress khi nghe con gào khóc, tuy nhiên cũng đừng quá trầm trọng hóa vấn đề.
Con cần phải học cách để rời xa mẹ - dù sớm hay muộn. Vì vậy, dù rời xa một đứa con đang khóc lóc là điều khó khăn, nhưng trước sau thì cả hai mẹ con cũng sẽ làm quen được với điều này.
Mục đích của giai đoạn đầu ‘tách’ con ra khỏi mẹ là: giúp con hiểu nếu không có mẹ, con vẫn hoàn toàn được an toàn, thoải mái.
3. Mẹ có lén lút ‘trốn con’ để đi không?
Mặc dù điều này có thể giúp bạn tiết được thời gian ‘dàn xếp’ với con, nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho việc hình thành thói quen của trẻ.
Giả sử như bé đang ngủ, tỉnh dậy thấy mẹ ‘biến mất’, bé sẽ trở nên rất hoảng loạn.
Việc mẹ ‘trốn đi’ như thế chỉ là giải pháp bất đắc dĩ và bạn không nên lặp đi lặp lại điều này, đặc biệt là với các bé đã trên 1 tuổi.
Mẹ cần ‘đường đường chính chính’ tạm biệt con để đi. Bé dần dần sẽ học được rằng: việc mẹ đi chỉ là nhất thời, sau đó mẹ sẽ quay lại và sự an toàn, dễ chịu của bé có thể được đảm bảo bằng những người khác, không nhất thiết phải là mẹ.
4. Mẹ có chào con, sau đó lại vội vàng chạy lại ôm ấp, dỗ dành khi con khóc không?
Đây là sai lầm nhiều người mẹ mắc phải. Khi đã quyết định rời con, chẳng hạn để đi làm, bạn cần dứt khoát.
Có thể cần vài phút để dỗ dành, hôn con để tạm biệt. Bạn có thể nói với con là sau bao lâu nữa mẹ sẽ về. Dù chưa hiểu được nội dung lời nói, nhưng ngữ điệu cùng với cử chỉ của mẹ hoàn toàn có thể xoa dịu con.
Một khi đã quyết định rời đi, bạn cần phải thật tự tin đứng dậy và đi. Tuyệt đối không nên quay lại nhìn bé.
Việc mẹ lúng túng, trở đi trở lại sẽ càng làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn. Các bé rất ‘thông minh’ trong việc ‘đọc vị’ người lớn.
Một khi bé hiểu rằng có thể dùng tiếng khóc của mình để gây ‘áp lực’ với cha mẹ thì sau này bé sẽ thường xuyên sử dụng ‘vũ khí’ này.
"Ngoan nhé bé con, mẹ ra ngoài một lát rồi mẹ sẽ về".
5. Mẹ có mất bình tĩnh không?
Chắc chắn là bạn vô cùng căng thẳng, nhưng đừng để cho đứa trẻ của bạn biết.
Bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh – đó là điều mà các mẹ cần luôn tự nhủ.
Hãy cười thật tươi, thật ấm áp với bé trong lúc giải thích cho bé hiểu mẹ cần phải đi, một lát nữa mẹ sẽ về.
Nếu đáp lại những màn khóc lóc nẫu ruột của con, các mẹ cũng yếu đuối ôm con, dỗ dành: ‘Mẹ không đi đâu, mẹ ở nhà với bé’ thì cuộc chiến này sẽ trở nên không bao giờ có hồi kết.
6. Rèn tính độc lập
Cuối cùng và quan trọng nhất, các mẹ cần hiểu rằng tách bé ra khỏi mẹ là rèn cho con tính tự lập, đây là kỹ năng quan trọng với sự trưởng thành của bé.
Đặc biệt, từ hai tuổi trở đi, bé bước vào giai đoạn hình thành kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội.
Trẻ cần được ‘cai mẹ’ để có thể thoải mái, vui vẻ chơi với những người thân khác trong gia đình và hòa nhập với các cô, các bạn ở trường mẫu giáo.
Vì vậy, lúc này việc ‘cắt đuôi’ với con không chỉ tốt cho mẹ mà còn là để con hòa nhập thật tự tin, hạnh phúc với xung quanh.