Theo hãng bảo mật Proofpoint, trong năm qua, số lượng các vụ lừa đảo trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và LinkedIn đã tăng tới 150%, đó là vì chúng dùng các công cụ này để nhằm vào hàng trăm ngàn người một lúc. Bọn lừa đảo giả danh người dùng, tạo ra các hoạt động giả, lợi dụng cách mọi người dùng mạng xã hội để giải quyết các vấn đề kinh doanh.
Dưới đây là 5 trò lừa phổ biến nhất trên mạng hiện nay, theo Proofpoint:
1. Giả tài khoản chăm sóc khách hàng trên Twitter
Kẻ lừa đảo trả lời tin tweet kèm link dẫn đến trang giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng |
Tội phạm mạng thường lập các tài khoản chăm sóc khách hàng giả mạo để lừa lấy thông tin đăng nhập và mật khẩu ngân hàng cũng như các dữ liệu nhạy cảm khác. Tài khoản giả này trông y như thật nhưng thường thiếu 1 ký tự hoặc có thêm ký tự lạ khác. Khi ai đó tweet tại ngân hàng của họ, kẻ lừa đảo sẽ trả lời thắc mắc của người dùng như nhân viên thật sự nhưng lại chèn đường liên kết tới website hỗ trợ giả nhằm đánh cắp thông tin xác thực.
2. Giả bình luận trên các bài đăng phổ biến
Kẻ lừa đảo giả làm người dùng Facebook để bình luận kèm theo link dẫn đến trang lừa đảo thẻ tín dụng |
Tin tức hay các bài đăng phổ biến trên mạng xã hội thường được bình luận rất nhiều. Những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng lượng người quan tâm khổng lồ này để đăng bình luận riêng kèm đường link đến các tin giật gân khác để lừa người khác click vào, đánh cắp thông tin cá nhân.
3. Giả video live
Đây là bình luận mà kẻ lừa đảo đăng lên fanpage của một đội NBA chèn link dẫn đến trận đấu đang phát trực tuyến |
Khi ngày càng nhiều công ty phát trực tiếp chương trình và phim lên tài khoản mạng xã hội, bọn lừa đảo cũng tìm ra phương thức mới. Chúng để lại bình luận trên fanpage của một đội bóng kèm đường link để mọi người tưởng rằng đó là link chiếu trực tiếp một trận đấu. Tuy nhiên, link này lại dẫn tới website giả mạo để yêu cầu mọi người nhập thông tin cá nhân để xem video. Tất nhiên, các video thường không tồn tại.
4. Giả khuyến mại trực tuyến
Kẻ giả mạo lập tài khoản giả, chẳng hạn Netflix, để lừa đảo |
Các món hàng giảm giá trên mạng giả cũng hoạt động tương tự như tài khoản chăm sóc khách hàng giả. Bọn lừa đảo sẽ lập tài khoản trông như của doanh nghiệp thật rồi vờ cung cấp một mã khuyến mại. Trong thực tế, chúng muốn mọi người cung cấp thông tin cá nhân.
5. Giả khảo sát và thi thố trên mạng
Kẻ lừa đảo thường dùng tính năng bình luận để lừa được nhiều người dùng nhất có thể bằng các khảo sát và cuộc thi trên mạng |
Phương thức này đã tồn tại nhiều năm, được thiết kế để bọn lừa đảo có được câu trả lời của người dùng về thông tin của họ để chúng bán cho người mua. Hiện nay, bọn tội phạm đã tinh vi hơn khi nhúng các cuộc thi hay khảo sát này vào các bài đăng mạng xã hội. Các tài khoản này sẽ có ảnh đại diện giống với các doanh nghiệp thật sự. Bài đăng có kèm đường dẫn rút gọn để lừa người dùng.