5 tiêu chuẩn thiết yếu đối với giảng viên sư phạm

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vũ – Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), giảng viên sư phạm phải nhất thiết phải đạt được yêu cầu về năng lực nghiệp vụ sư phạm, với 5 tiêu chuẩn và các biểu hiện như sau:

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tiêu chuẩn 1: Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục

Giảng viên sư phạm với nhiệm vụ đào tạo giáo viên, vừa dạy tri thức, kỹ năng nhưng vừa làm mẫu, nên cần đòi hỏi cao hơn về nghiệp vụ sư phạm, nhất là phương pháp dạy cho người học phương pháp luận và phương pháp dạy học cụ thể.

Về hiểu hiểu biết đối tượng giáo dục, PGS chia sẻ: Giảng viên sư phạm cần có kiến thức, kỹ năng tìm hiểu và nhận biết được đặc điểm tâm lý, năng lực, phương pháp, thái độ học tập của sinh viên sư phạm, để phát triển các chương trình giáo dục, lập và thực hiện các kế hoạch dạy học, giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả.

Về hiểu biết môi trường giáo dục, PGS nhấn mạnh: Giảng viên cần có kiến thức cơ bản về vai trò và sứ mệnh giáo dục đại học, những xu hướng phát triển của giáo dục đại học. Có kiến thức, kỹ năng tìm hiểu và nhận biết được đặc điểm, tác động của môi trường dạy học, giáo dục tới hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường.

Tiêu chuẩn 2: Năng lực dạy học

Đối với tiêu chuẩn này, PGS.TS Nguyễn Đức Vũ nhấn mạnh, giảng viên sư phạm cần đạt được các tiêu chí như:

Một là: Lập kế hoạch dạy học và đề cương chi tiết môn học. Theo đó, giảng viên lập được kế hoạch dạy học môn học phần học. Xây dựng đề cương chi tiết môn học và soạn thảo các bài giảng cụ thể.

Hai là: Thực hiện kế hoạch dạy học. Thực hiện kế hoạch dạy học môn học, học phần được giao phụ trách, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch dạy học đã đề ra.

Ba là: Vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Cụ thể, giảng viên phải biết vận dụng, kết hợp được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, phát triển năng lực tự học và tự rèn luyện năng lực nghề nghiệp của người học. Có kỹ năng đọc, viết, trình diễn và giao tiếp trong quá trình dạy học.

Bốn là: Sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học. Giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị dạy học thông dụng, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đối tượng dạy học.

Năm là: Xây dựng môi trường dạy học: Giảng viên cần biết tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, hợp tác, khuyến khích sáng tạo trong dạy và học.

Sáu là: Đánh giá kết quả học tập của người học. Giảng viên cần biết thiết kế và sử dụng được công cụ đánh giá, thực hiện được các phương pháp đánh giá, đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả học tập của người học; sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy và học. Phát triển năng lực tự đánh giá kết quả học tập của người học.

Tiêu chuẩn 3: Năng lực giáo dục

PGS Nguyễn Đức Vũ cho biết: Giảng viên cần biết lập kế hoạch các hoạt động giáo dục, quản lý sinh viên theo các nhiệm vụ được phân công như: chủ nhiệp lớp, cố vấn học tập, công tác Đoàn … Đồng thời thể hiện khả năng phối hợp trong việc huy động các nguồn lực để tiến hành các hoạt động giáo dục.

Ngoài ra, giảng viên sư phạm cần biết tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục người học bằng chính tấm gương của nhà giáo về thức nghề nghiệp và tác phong sư phạm mẫu mực…

Tiêu chuẩn 4: Năng lực hợp tác trong dạy học và giáo dục

Theo PGS Nguyễn Đức Vũ, đã là giảng viên sư phạm thì cần biết hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp trong trường trong dạy học và giáo dục sinh viên. Học tập trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong việc phát triển năng lực dạy học và giáo dục.

“Bên cạnh đó, cần biết hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp ngoài nhà trường. Cụ thể học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, phát triển chương trình giáo dục thông qua hội thảo, tập huấn để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục” - PGS Nguyễn Đức Vũ.

Tiêu chuẩn 5: Năng lực phát triển nghiệp vụ sư phạm

PGS Nguyễn Đức Vũ nhấn mạnh, giảng viên sư phạm cần biết cách bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của mình. Theo đó cần xác định nhu cầu bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm của bản thân, có phương pháp tự bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm hiệu quả, áp dụng những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để đổi mới công tác dạy học và giáo dục.

Đồng thời cần không ngừng đổi mới dạy học và giáo dục. Có thái độ tích cực đối với đổi mới chương trình, phương pháp dạy học và giáo dục. Tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai phục vụ cho việc phát triển dạy học và giáo dục.

Năng lực nghiệm vụ sư phạm của giảng viên là khả năng thực hiện có kết quả các hoạt động dạy học và giáo dục nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Năng lực nghiệp vụ sư phạm của giảng viên được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như: năng lực hiểu rõ đối tượng giáo dục, dạy học, năng lực tổ chức dạy và giáo dục hiệu quả, năng lực đánh giá kết quả giáo dục v.v…

Năng lực sư phạm là những thuộc tính riêng của người làm nghề dạy học và giáo dục nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ