Tiếp chúng tôi, bà Hợi không giấu được niềm vui, đầy tự hào về truyền thống gia đình mình. Bà chia sẻ: Tài sản lớn nhất cha ông để lại cho các thế hệ con, cháu là ba thứ: học vấn, sức khỏe và một lí lịch gia đình trong sạch.
1. Nhà giáo Nguyễn Thanh Hợi kể: Ông bà đông con lắm: 4 trai, 3 gái. Ông thường phải đi dạy học xa. Phần lớn thời gian, một mình bà ngoài công việc dạy học phải nuôi dạy các con ăn học.
Vợ chồng nhà giáo nuôi một đàn con trứng gà trứng vịt gian nan vất vả không để đâu cho hết. Lại còn chiến tranh, đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Cứ tha các con đi như mèo tha con.
Thương các con cơm không đủ no, áo không đủ lành, cho nên bà dạy các con phải biết chịu khó, tiết kiệm, tự lập. Ngày ngày ngoài giờ học, chị em rủ nhau đi quét lá khô, nhặt cành gãy về làm củi đun bếp.
Thương bố mẹ vất vả, các con của bà không nghĩ đến chuyện đua đòi. Ngày ngày đến trường, họ vẫn mặc quần "Cá rô đớp gấu".
Bà bồi hồi nhớ lại: "Giờ đây ngồi nghĩ lại tôi thương ông nhà tôi vô cùng. Cả đời ông lo toan vất vả vì gia đình con cái, đến lúc con cái phương trưởng ông lại ra đi.
Ông đi làm chuyên gia giáo dục ở Angola sau mắc bệnh mà mất cũng vì con cái, vì gia đình. Các cháu làm nghề dạy học đều là giáo viên dạy môn Toán theo nghiệp bố.
Ngày trước các con tôi không đứa nào đi học thêm cả. Bố cháu ra bài tập, hướng dẫn cách làm và kiểm tra rất nghiêm khắc. Cho nên tính tự lực trong học tập, kết quả học tập các năm ở trường phổ thông cũng như ở Đại học đều cao".
Với truyền thống gia đình cùng với sự quyết tâm học hành, trong các con trai, con gái, con rể, con dâu của nhà giáo Nguyễn Thanh Hợi có 6 tiến sỹ, 5 thạc sỹ, trong đó có 7 nhà giáo. Năm nay, cháu ngoại của bà đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ.
2.
NGND, TS Nguyễn Thị Hương Trang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh - là con gái thứ hai trong gia đình nhà giáo lão thành Nguyễn Thanh Hợi.
Chị sinh ra là để dạy học, để cống hiến tài năng và trí tuệ cho các thế hệ học sinh.
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ, lòng yêu nghề, yêu trò không bao giờ phai nhạt trong chị.
Năm 1980, tốt nghiệp loại giỏi khoa Toán Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, chị về dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Hà Bắc.
6 năm sau, chị về dạy tại Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục Hà Bắc. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, từ cô giáo đứng trên bục giảng rồi làm cán bộ quản lý, lúc nào cũng vậy, tình yêu với nghề như một lẽ sống của chị.
Đến khi là cán bộ quản lý cấp trường, cấp sở rồi chị vẫn làm giáo viên thỉnh giảng cho Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục Hà Bắc, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Chị bảo những lúc được đứng trên bục giảng là những lúc chị vui nhất và hạnh phúc nhất.
18 năm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Bắc rồi Bắc Ninh, kể cũng là trường hợp đặc biệt đối với một cán bộ quản lý "giữ ghế" lâu như chị.
Cán bộ, giáo viên các trường học trong tỉnh ngoài sự tin tưởng trình độ chuyên môn vững vàng của chị, họ còn rất trân trọng và quý mến chị bởi họ cảm nhận ở chị văn hóa thuyết phục được vận dụng nhiều hơn văn hóa quyền lực.
Chị hiểu và thông cảm những vất vả, lo toan của từng giáo viên, nhất là những giáo viên nữ, giáo viên ở vùng nông thôn, đặc biệt ngành học Mầm non.
Chị đến với họ bình dị, sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn như đến với những người bạn, từ việc lớn như xã hội, công việc, gia đình… đến những chi tiết rất "phụ nữ" như quần áo, nấu ăn, nữ công gia chánh.
Dù vậy, NGND Nguyễn Thị Hương Trang vẫn là người phụ nữ của gia đình theo đúng nghĩa của nó. Hai vợ chồng chị đều là lãnh đạo, quản lý nên chị phải đứng ra lo mọi việc trong nhà.
Là dâu trưởng của dòng họ, mọi lễ Tết, việc làng, việc họ, việc gia đình chị đều lo toan chu đáo. Chị là nguồn vui, là chỗ dựa, cũng là niềm tự hào của dòng họ hai bên nội, ngoại.
Lên tuổi bà ngoại rồi chưa lo hết cho con, chị lại lo chăm cháu để con rể, con gái đi học nghiên cứu sinh. Chị thức khuya, dậy sớm, thoăn thoắt mọi việc nhưng vẫn rất vui vì thấy mình là người sống có ích cho gia đình, cho xã hội và được mọi người tin yêu. Không những vậy, chị còn tham gia làm từ thiện đối với những người nghèo, bất hạnh, tật nguyền mỗi khi có dịp.
Trong rất nhiều hình thức khen thưởng, tôi thực sự cảm động khi Tổ chức Trung tâm Nhân đạo Kinh Bắc - Hội Chữ thập đỏ Bắc Ninh tặng chị danh hiệu "Tấm lòng vàng".
Một công việc đầy nghĩa tình mà mấy chục năm qua chị không bao giờ quên đó là các ngày Tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam dù bận đến mấy chị vẫn đến tặng hoa, tặng quà các thầy cô giáo cũ của mình.
Chị coi đó như một tình cảm thiêng liêng cao quý mà bất cứ một người học trò nào cũng phải luôn ghi nhớ. Là một nhà giáo, lại sinh trưởng trong một gia đình có đến năm thế hệ làm thầy, chị luôn thấm thía đạo lí muôn đời đó.