Ông Nguyễn Hữu Độ - GĐ Sở GD&ĐT TP Hà Nội - phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo có sự tham gia của đại diện của 5 Sở GD&ĐT gồm TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ.
Kỳ thi thành công
Hầu hết các đại biểu đến từ 5 TP trực thuộc TW đều có chung đánh giá: Về cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã thành công, đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, giảm áp lực, giảm chi phí cho xã hội.
Đề thi có sự phân hóa, đổi mới, đề mở nhằm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, học máy móc, rập khuôn… là bước đi cho việc đổi mới dạy - học, hướng đến việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT
Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP Hà Nội - cho rằng: Kỳ thi đảm bảo công bằng, khách quan, nghiêm túc hơn. Việc đổi mới cách ra đề thi giúp thí sinh có thể tập trung ôn thi các môn chính để tuyển sinh ĐH, hơn nữa giảm đi việc học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc.
Việc tổ chức kỳ thi đã giảm bớt được việc đi lại và tập trung đông người tại các TP lớn, giảm ùn tắc giao thông và các chi phí khác cho HS…
Chia sẻ về cách thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, ông Hồ Phú Bạc - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Sở GD&ĐT TPHCM - nhận định: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trên địa bàn TPHCM diễn ra khá nhẹ nhàng do Sở cùng lãnh đạo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì đã có sự họp bàn kĩ lưỡng, có sự thống nhất cao về các phương án, về sự chuẩn bị, phân công công việc, sắp xếp địa điểm thi, cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi...
Đối với học sinh, Sở đã có những văn bản hướng dẫn các trường về ôn tập, tổ chức kỳ thi thử… đặc biệt tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh nắm rõ về kỳ thi đổi mới năm 2015, vì vậy TPHCM đã làm rất tốt công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra tốt đẹp, thành công.
Nên tổ chức kỳ thi sớm hơn
Tại Hội thảo, ngoài đánh giá về ưu điểm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, đại diện các Sở GD&ĐT cũng đưa ra một số kiến nghị cho kỳ thi năm 2016. Các đại biểu đều đề nghị tổ chức kỳ thi sớm hơn so với năm 2015.
Cụ thể, ông Hồ Phú Bạc chia sẻ: “Bộ GD&ĐT có thể xem xét tổ chức kỳ thi sớm hơn, có thể là vào đầu tháng 6 để địa phương tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay sau đó được thuận lợi hơn”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Từ - Trưởng phòng GDTX, chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD&ĐT Cần Thơ, cần ban hành sớm Quy chế thi để các trường THPT, đặc biệt là các em HS chủ động trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi được tốt nhất. Và có thể xem xét lại việc phân địa giới ở cụm thi một số tỉnh ở ĐB sông Cửu Long để các em thuận tiện nhất trong đi lại.
Về cách thức xét tuyển, một số đại diện góp ý, cần hạn chế hơn về thời gian trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ giữa các NV, như NV1, các em có thể chỉ được thay đổi 1 lần, trong một thời gian nhất định và cần rút ngắn thời gian xét tuyển của các NV.
Các đại biểu các Sở cũng thống nhất kiến nghị về cải tiến, nâng cấp hơn nữa phần mềm quản lý thi để các thông tin dữ liệu được truy cập nhanh, không tắc nghẽn và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh cho toàn XH về kỳ thi THPT Quốc gia.
Hội thảo thống nhất các ý kiến trình lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT:
Tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015 và vẫn tổ chức thi theo 2 cụm: do Sở GD&ĐT chủ trì, do các trường ĐH chủ trì; Thời gian thi cần tổ chức sớm hơn, có thể điều chỉnh trước ngày 15-6; Các cụm thi do các trường ĐH ngoài sự tham gia của lãnh đạo Sở, cần có sự tham gia của các giáo viên THPT;
Phân bố số lượng thí sinh hợp lý hơn, sớm có thông tin về số lượng thí sinh đăng kí dự thi để điểm thi sắp xếp; Đề thi cần phân hóa mạnh hơn; Cải thiện, nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu thi; Các NV đăng kí xét tuyển ĐH, CĐ nên điều chỉnh về thời gian ngắn hơn. NV1 chỉ nên cho thí sinh điều chỉnh 1 lần, vào một thời điểm nhất định;
Quy chế thi cần được ban hành sớm; Tuyên truyền sâu rộng hơn về kỳ thi THPT quốc gia, các trường chủ động hướng dẫn cho các em HS lựa chọn môn thi phù hợp, chọn môn thi xét tốt nghiệp, chọn các tổ hợp thi xét tuyển ĐH, CĐ tránh tình trạng chọn quá nhiều môn thi, bị thừa, không phù hợp.