Gừng có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu sử dụng gừng sai cách sẽ khiến dạ dày chịu tổn thương.
Theo tờ Foxnews, gừng là một trong những biện pháp tốt nhất được biết đến để giảm cảm giác lạnh. Nó thực sự có thể giết chết các rhinovirus gây cảm lạnh. Thêm vào đó, gừng được biết đến với khả năng cải thiện bệnh tiêu chảy và làm dịu cơn đau bụng.
Gừng kích thích việc sản xuất mật và là phương pháp hỗ trợ có lợi cho hệ tiêu hóa. Nhưng nếu dạ dày của bạn đang trống rỗng, trà gừng đôi khi có thể gây kích thích dạ dày mà biểu hiện là một số triệu chứng suy tiêu hóa.
Để tránh ảnh hưởng đến dạ dày mà vẫn nhận được lợi ích kháng viêm từ gừng, bác sĩ Chris Kilham thuộc Hội y học cổ truyền Mỹ khuyên những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm nên ăn nhẹ trước khi sử dụng gừng hay trà gừng. Bên cạnh đó, cũng không nên uống quá nhiều trà gừng cùng một lúc.
Không dùng khi bị cao huyết áp
Theo nguồn tin từ Zing, nước gừng rất tốt đối với người có huyết áp thấp, nhưng với người huyết áp cao chỉ dùng gừng để ngâm chân chứ không nên uống vì rất nguy hiểm. Người huyết áp cao nếu uống nước gừng vào đúng thời điểm huyết áp đang lên cao, sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng dương quá ngưỡng và gây hưng phấn. Người dùng có thể bị cường huyết áp, gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến...
Trà gừng có thể phản tác dụng nếu mọi người dùng sai thời điểm
Không dùng gừng vào buổi tối
Nhiều người uống nước gừng để chữa bệnh mất ngủ nhưng càng uống, bệnh mất ngủ càng trở nên trầm trọng. Nguyên nhân là bởi họ đã uống nước gừng vào buổi tối. Theo các chuyên gia, vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm quy luật sinh lí. Do vậy, ngay kể cả người bình thường, nếu uống nước gừng vào buổi tối cũng sẽ mất ngủ, chưa nói đến người mắc bệnh mất ngủ kinh niên.
Không dùng khi bị say nắng, sốt cao
Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa... Chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt. Trong trường hợp đi nắng về bị say nắng, say nóng tuyệt đối không được dùng gừng. Với những người có dấu hiệu sốt cao thì tuyệt đối không ăn gừng, vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh cao lên gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Không ăn khi đau dạ dày
Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng sẽ được các bác sĩ khuyên không nên ăn gừng, vì trong thành phần của gừng có những chất chủ yếu hoạt động trên các niêm mạc dạ dày. Từ đó, các niêm mạc bị kích thích, bào mòn và gây ra những vết loét. Ngoài ra, người bị bệnh gan bệnh sỏi mật, bị trĩ hay bị xuất huyết cũng không nên ăn nhiều, vì nếu ăn gừng thì tình trạng bệnh sẽ bị nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ có thai và cho con bú
Gừng có thể giúp các mẹ bầu cải thiện triệu chứng buồn nôn do ốm nghén. Nhưng với phụ nữ mang thai trong nửa cuối của thai kỳ nên hạn chế dùng vì nó có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ. Và trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.