Thiếu kinh nguyệt là bệnh hiểm nghèo
Y học Trung Hoa cổ từng coi kinh nguyệt là bệnh hiểm nghèo. Ảnh minh họa: blogspot.com |
Ngày nay, con người biết kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng trong lịch sử, nó là một điều bí ẩn, có thể là điềm tốt hay điềm xấu.
Một số người cho rằng kinh nguyệt là quá trình cơ thể phụ nữ đào thải những chất dư thừa hoặc máu độc. Máu độc có thể gây ô nhiễm thực phẩm hoặc những vật thể tiếp xúc với nó.
Vì thế, người ta quan niệm đàn ông không nên quan hệ tình dục với người phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt vì đứa bé sẽ biến dạng do máu độc ảnh hưởng.
Galen, một trong những bác sĩ danh tiếng nhất thời cổ đại, đưa ra ý kiến trái ngược hoàn toàn. Theo ông, máu kinh nguyệt nuôi dưỡng thai nhi trong tử cung và sẽ chuyển vào sữa mẹ khi sản phụ sinh đứa bé, theo BBC. Trong khi đó, y học Trung Quốc cổ đại coi thiếu kinh nguyệt là một căn bệnh hiểm nghèo và tìm mọi cách để “chữa trị”.
Âm vật tương tự như dương vật
Một số người tin rằng đồng tính nữ có thể phóng to âm vật và sử dụng nó như dương vật. Ảnh minh họa: blogspot.com |
Nhiều người biết quan niệm ngây thơ của Hippocrates, người sáng lập nền y học hiện đại và là thầy thuốc vĩ đại nhất mọi thời đại, rằng tử cung di chuyển trong cơ thể phụ nữ.
Nhưng, không phải ai cũng từng nghe về thuyết âm vật có chức năng tương tự như dương vật. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng người phụ nữ có âm vật lớn có thể sử dụng nó để thâm nhập trong quá trình giao hợp. Vì thế, đến thế kỷ XIX, XX, các bác sĩ ở châu Mỹ và châu Âu đã đưa giả thuyết trên vào nghiên cứu của họ về đồng tính nữ.
Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự tồn tại của “dương vật nữ” là quan tòa dị giáo người Italy, Ludovico Sinistrari. Ông là môt linh mục và tác giả chuyên viết về tội lỗi tình dục và ma quỷ.
Sinistrari tin rằng một người phụ nữ quá ham muốn có thể phóng to âm vật của họ và biến thành nam giới. Vào thời kỳ đó, đồng tính là tội chết.
Giả thuyết kỳ quái của vị linh mục đồng nghĩa với việc một người chỉ có tội nếu âm vật của cô ta thâm nhập vào cơ thể người khác. Quan niệm sai lầm của Sinistrari đã cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc trừng phạt nghiêm khắc với những người đồng tính.
Trinh nữ giúp hồi xuân
Vua David ngủ với trinh nữ để hồi xuân. Ảnh: Furtherandfaster |
Shunamitism là việc một người đàn ông lớn tuổi ngủ với trinh nữ trẻ mà không quan hệ tình dục để hồi xuân. Thuật ngữ Shunamitism bắt nguồn từ câu chuyện của Vua David trong Kinh Thánh.
Nhà vua đã già và lo lắng về sức khỏe của bản thân. Vì thế, ông ngủ cùng với Abishag, một cô gái trẻ đến từ làng Shunam, Israel. Về mặt y học, người ta đoán cách này có thể làm tăng nồng độ testosterone ở người già.
Tuy nhiên, họ không thể đưa ra bằng chứng xác đáng về tác dụng hồi xuân của việc ngủ cùng trinh nữ. Shunamitism khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa.
Một bác sĩ ở thế kỷ IV cho rằng nên áp dụng phương pháp ấy đối với những người mắc bệnh dạ dày trong khi vào thế kỷ XVIII, người Anh tin rằng hơi thở trinh nữ có lợi cho sức khỏe.
Vào thời kỳ đó, các doanh nhân người Pháp kiếm lợi từ Shunamitism. Một bà chủ tên là Madame Janus sở hữu một nhà chứa gồm 50 trinh nữ phục vụ những ông già giàu mà không cần quan hệ tình dục.
Tại Ấn Độ, Brachmarya, một biến thể của Shunamitism, thịnh hành trong thời gian dài.
Học hành làm giảm chức năng sinh sản ở phụ nữ
Edward Clarke đưa ra quan niệm học tập làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ. Ảnh minh họa: blogspot.com |
Năm 1873, Edward Clarke, một bác sĩ và là cựu giáo sư trường Đại học Y Havard, Mỹ, công bố lý do phụ nữ không nên học hành trong cuốn sách “Sex In Education; Or, A Fair Chance For The Girls”.
Ông khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của phụ nữ là duy trì nòi giống và giáo dục chỉ là nhiệm vụ thứ yếu, Oxford DNB cho hay. Clarke chỉ ra rằng não bộ của nữ giới kém phát triển hơn nam giới nên không thể tiếp thu kiến thức ở trình độ cao.
Ngoài ra, vị bác sĩ còn cảnh báo việc học có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt.
Giả thuyết của Clarke trở thành chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận. Các nhà hoạt động xã hội sử dụng nó để phản đối nữ giới đến trường.
Cuối cùng, người ta quên dần giả thuyết ấy khi nhiều phụ nữ học tập tại các trường đại học, cao đẳng và chứng minh rằng họ có thể học tốt hơn nam giới.
Phụ nữ là phiên bản không đầy đủ của đàn ông
Triết gia vĩ đại Aristotle phạm sai lầm khi cho rằng cơ thể phụ nữ là biến dạng của đàn ông. Ảnh minh họa: blogspot.com |
Aristotle là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, ông cũng không tránh khỏi những quan niệm sai lầm về cơ thể phụ nữ.
Ông cho rằng phụ nữ là phiên bản khiếm khuyết của đàn ông với cơ quan sinh dục nằm bên trong vì cơ thể họ thiếu “nhiệt” để tạo thành “một cơ thể đàn ông hoàn hảo”.
Theo ông, khuyết tật đó khiến phụ nữ không thể tạo ra tinh dịch. Vì thế, họ trở thành người tiếp nhận thụ động trong quá trình sinh sản. Aristotle cũng phạm sai lầm khi tuyên bố phụ nữ có ít răng và khớp sọ hơn đàn ông. Vị triết gia vĩ đại còn thất bại trong việc phân biệt âm đạo và niệu đạo, Strangescience cho hay.
Aristotle đánh đồng những phát hiện sai lầm với lời biện minh cho sự thống trị của nam giới trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Sau khi ông mất, những quan niệm ấy vẫn tồn tại đến thế kỷ XV và đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa Sô vanh.