Chủ động xây dựng kế hoạch năm học từ việc nắm vững các văn bản chỉ đạo
Giải pháp đầu tiên của nhà trường là chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu chỉ đạo về mô hình trường học mới từ đó chủ động xây dựng kế hoạch của năm học.
Theo đó, ngoài việc nghiên cứu kĩ văn bản chỉ đạo của cấp trên về GD&ĐT; nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục trung học, nhà trường còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản, tài liệu của cấp trên về mô hình trường học mới; chủ động liên hệ làm việc với một số trường tiểu học đã áp dụng mô hình VNEN để hiểu rõ được quan điểm chỉ đạo của cấp trên cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học sinh lớp 5; từ đó xây dựng phương án tối ưu nhất cho đơn vị khi áp dụng mô hình đối với cấp THCS.
Chú trọng công tác tập huấn
Nhà trường đã tổ chức cho 100% cán bộ giáo viên (CBGV) tham dự các lớp tập huấn, hội thảo, chuyên đề cấp bộ, sở và cấp phòng về mô hình trường học mới.
Việc tổ chức tập huấn cho CBGV trong năm học được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch của cấp trên cũng như của mỗi đơn vị. Tuy nhiên đối với mô hình trường học truyền thống việc tập huấn, hội thảo, chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn đôi lúc nội dung còn trùng lặp, thời gian chưa hợp lý, tổ chức các buổi chuyên đề cho đủ số lượng mà chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hiệu quả, ...
Khi áp dụng mô hình trường học mới ngay từ hè, trước khi bước vào năm học mới 2015-2016, nhà trường đã chọn lựa những CBGV có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng tham gia tập huấn cấp bộ theo yêu cầu. Những cá nhân này, ngoài tham gia làm giảng viên cốt cán cấp tỉnh còn là những nhân tố quan trọng của nhà trường để thực hiện thành công mô hình trường học mới.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cho 100% GV tập huấn cấp Sở về mô hình trường học mới, tham dự đầy đủ các buổi chuyên đề cấp sở của 7 đơn vị trường khác trong tỉnh cũng áp dụng mô hình. Tích cực, chủ động tổ chức chuyên đề, hội thảo áp dụng mô hình trường học mới cấp tỉnh.
Việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn ngay tại nhà trường và cụm trường cũng được chú trọng. Nội dung tổ chức sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới về đánh giá học sinh; tổ chức và quản lý trong lớp học; phối hợp giữa nhà trường và gia đình, cộng đồng; điều chỉnh nội dung dạy học và phát triển tài liệu bồi dưỡng chuyên môn; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến sư phạm ở trường và cụm trường.
Trong quá trình sinh hoạt chuyên môn tại tổ, nhóm chuyên môn, yêu cầu giáo viên so sánh một số khác biệt cụ thể giữa dạy học trong mô hình mới và dạy học trong mô hình truyền thống. Ví dụ:
Mô hình nhà trường truyền thống | Mô hình trường học mới |
- HS chủ yếu làm việc cá nhân; chủ yếu nghe giảng, ghi nhớ, luyện tập theo mẫu. - GV chủ yếu dạy học theo sách giáo khoa và sách hướng dẫn giáo viên; dạy theo số đông, đồng loạt, chủ yếu là truyền thụ một chiều. - Quan tâm tới kết quả học cuối kỳ, đánh giá định kỳ thông qua bài kiểm tra định lượng. - Mối quan hệ GV/HS theo kiểu chỉ huy, áp đặt một chiều từ trên xuống. | - HS làm việc cá nhân kết hợp làm việc theo cặp, theo nhóm; học qua hoạt động, trải nghiệm, giao tiếp và tự phản hồi. - GV dựa theo tài liệu Hướng dẫn học để gợi mở, hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tìm ra kiến thức; dạy theo cá thể, chấp nhận khác biệt về tiến độ, tương tác đa chiều. - Quan tâm tới suốt quá trình học và cách học; đánh giá linh hoạt và thường xuyên theo từng bài học. - Mối quan hệ giữa GV/HS và HS/HS mang tính hỗ trợ, hợp tác và hướng tới tinh thần xã hội. |
Hay sự khác nhau về quá trình dạy minh họa:
Mô hình nhà trường truyền thống | Mô hình trường học mới |
Người dạy: Thực hiện tiến trình bài dạy theo nội dung kiến thức trong sách giáo khoa. Người dự: Ngồi cuối lớp quan sát giáo viên dạy, xem có thực hiện đúng tiêu chí đánh giá không. | Người dạy: Thực hiện hướng dẫn bài học linh hoạt theo nội dung đã điều chỉnh và thực tế quá trình học sinh học tập. Người dự: Tới từng nhóm học sinh quan sát, đôi khi phỏng vấn trực tiếp học sinh để có thêm nhận xét, đánh giá. |
Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo: Sinh hoạt chuyên môn không hàng chính, không hình thức, không lí luận cao siêu, hàn lâm xa vời thực tiễn. Sinh hoạt chuyên môn trong mô hình nhằm vào những vấn đề cấp thiết, cần giải quyết thường xuyên trong mỗi tổ chuyên môn và trong nhà trường; tập trung nhiều vào hoạt động dự giờ minh họa, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sư phạm.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Nhà trường tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức họp phụ huynh khối 6, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường thiết bị dạy học cho các lớp 6 áp dụng mô hình và đã được sự nhất trí và ủng hộ.
Việc tuyên truyền cho cộng đồng về trường học mới không phải trình bày những lý thuyết hàn lâm mà bằng những việc làm cụ thể, đó là:
Thứ nhất, Lãnh đạo nhà trường và CBGV đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải hiểu rõ đặc điểm cơ bản, tính ưu việt của trường học mới và niềm tin vào mô hình trường học mới. Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ và có niềm tin thì mới thuyết phục cha, mẹ học sinh và cộng đồng tin vào mô hình.
Thứ hai, yêu cầu GVCN tổ chức một số hoạt động của lớp và mời cha mẹ học sinh, đại diện cộng đồng đến dự các hoạt động (dự buổi bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐTQ; dự buổi sinh hoạt lớp; làm đồ dùng dạy học; ...) mục đích để cha mẹ học sinh và cộng đồng chứng kiến không khí dân chủ, năng lực tự quản, tự điều hành của học sinh;
Thứ ba, mời cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia xây dựng góc cộng đồng, góc học tập, ... cùng với học sinh. Cha mẹ cùng học sinh và giáo viên làm đồ dùng học tập, xây dựng công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học, ...
Thứ tư, mời cha mẹ học sinh dự giờ lớp học mô hình trường học mới; cùng với nhà trường tổ chức các câu lạc bộ, tham quan, dã ngoại, giáo dục truyền thống, văn hóa lịch sử địa phương;
Thứ năm, mời các nghệ nhân, doanh nhân, lãnh đạo các đoàn thể giáo dục truyền thống quê hương, ngành – nghề truyền thống, kinh nghiệm sản xuất cho học sinh tại nhà văn hóa, trang trại, cơ sở sản xuất của địa phương.
Thông qua những việc làm trên các cấp lãnh đạo địa phương, cha mẹ học sinh và cộng đồng chứng kiến niềm vui của con trẻ, chứng kiến khả năng và trưởng thành của con trẻ, thấy rõ trách nhiệm của mình hơn.
Năm học 2015 - 2016, trường cũng đã cải tiến trong việc xã hội hóa công tác giáo dục, xin các nguồn tài trợ, đó không chỉ là “kêu gọi” và “trông chờ” như mọi năm mà mạnh dạn làm tờ trình xin ý kiến lãnh đạo địa phương, đồng thời mời lãnh đạo địa phương cùng đến doanh nghiệp để vận động. Cách làm này thực sự đã đem lại hiệu quả.
Phân công giáo viên hợp lý
Ban giám hiệu cùng tổ trưởng chuyên môn bàn bạc và thống nhất cao khi phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 6 (đối tượng áp dụng mô hình trường học mới) là các giáo viên trẻ, giáo viên cốt cán đã tham gia tập huấn cấp bộ, cấp sở, năng động, nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt tiếp cận với mô hình trường học mới.
Thực tế qua gần một năm, các giáo viên này đã thể hiện tốt vai trò của người giáo viên đó là tổ chức, điều khiển, thúc đẩy, gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, tìm tòi, động viên, cố vấn, trọng tài, trong các hoạt động học tập độc lập của học sinh. Đánh thức năng lực, tiềm năng trong mỗi em, chuẩn bị tốt cho các em tham gia hòa nhập cộng đồng và tạo ra phong cách học tập suốt đời sau này.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh phương pháp phù hợp
Việc đánh giá kết quả của học sinh theo mô hình trường học mới căn cứ vào Công văn 4669/BGDĐT- GDTrH của Bộ GD&ĐT. Qua gần một năm thực hiện, nhà trường nhận thấy: Việc đánh giá đã hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục THCS; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.
Chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá như đánh giá các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, ... kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học. Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Việc đánh giá định kỳ được áp dụng với tất cả các môn học thông qua các bài kiểm tra. Các bài kiểm tra giữa và cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học nhằm giúp cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh đánh giá được kết quả học tập của học sinh và “nhìn lại” quá trình đánh giá thường xuyên trước đó.
Ngoài đánh giá kết quả của học sinh theo mô hình trường học mới căn cứ vào Công văn 4669/BGDĐT- GDTrH, nhà trường định kỳ còn khảo sát tâm lý, phỏng vấn học sinh, có các bài kiểm tra test với học sinh, giáo viên dạy học theo mô hình để điều chỉnh phương pháp quản lý cho phù hợp đồng thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên khích lệ; phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ.
Tóm lại: Đánh giá học sinh THCS mô hình trường học mới được hiểu là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh THCS.