5 điều thuộc nằm lòng để hôn nhân hạnh phúc bền lâu

GD&TĐ - Hôn nhân bền vững, hạnh phúc là mong ước của tất cả các cặp vợ chồng. Chất lượng của một cuộc hôn nhân, một gia đình êm ấm, hòa thuận không phụ thuộc vào riêng một yếu tố nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Bùi Thanh Thủy (Trưởng khoa Gia đình & Công tác xã hội), Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, có một số yếu tố cơ bản, liên quan mật thiết và có tính quyết định tới chất lượng hôn nhân.

1. Dung hòa sự khác biệt về giới: Cái tạo nên lý tưởng đạo đức chung, những thị hiếu thẩm mỹ là trình độ văn hóa, trí tuệ để đồng cảm, thấu hiểu, dung hòa, biết nhận định điều đúng đắn nhất. Một khía cạnh tạo nên hiệu quả trong hạnh phúc hôn nhân, đó là sự hoà hợp với nhau trên cơ sở bình đẳng.

Vấn đề khác biệt về giới đòi hỏi hai người phải bổ khuyết cho nhau trong đời sống hôn nhân. Mỗi người phải là người làm những điều tốt cho nhau một cách tự nguyện.

Đàn ông cần kiềm chế tính nóng vội, gia trưởng, trong khi đó mỗi người phụ nữ hãy khôn ngoan, trở thành “điều hoà nhiệt độ” trong tình yêu, trong gia đình. Lúc “cương”, lúc “nhu” những đừng quá ủy mị, chịu đựng hay quá phụ thuộc vào người bạn đời của mình. Có như vậy những đặc tính trong tư tưởng, suy nghĩa, hành động của mỗi giới mới được điều chỉnh và dung hòa với nhau.

2. Lựa chọn người bạn đời hợp ý: Muốn có hạnh phúc, mỗi người đều phải luôn luôn ý thức giữ gìn, vun đắp. Hạnh phúc gia đình là một thứ nhìn không thấy, nhưng vừa là tinh thần, vừa là vật chất cụ thể. Hạnh phúc là cái đích phải đạt đến trong cuộc sống hôn nhân, thiếu nó thì không sống được, có cảm xúc thì mới có hạnh phúc.

TS. Bùi Thanh Thủy khuyên rằng, trước khi kết hôn, trong quá trình tìm hiểu yêu đương, hai người phải tìm hiểu thật kỹ xem hệ thống giá trị của hai người có hợp nhau hay không chứ không chỉ vì rung động, thích là cưới.

Bởi nếu hôn nhân đổ vỡ, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Trước khi kết hôn, cần phải học làm vợ, làm chồng để biết xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

3. Đảm bảo sự bình đẳng, độc lập trong kinh tế: Để đảm bảo yếu tố kinh tế không gây ảnh hưởng đến chất lượng hôn nhân cần thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình trên cơ sở kinh tế làm nền tảng căn bản cho mối quan hệ.

Những yếu tố ảnh hưởng trong ngắn hạn như người phụ nữ mang bầu, nuôi con nhỏ, người chồng bị ốm nặng một thời gian v.v. đều được giải quyết trên cơ sở bình đẳng trong trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình.

Người phụ nữ cần khắc phục, huỷ bỏ tư tưởng: cần nương tựa vào một người đàn ông. Ngược lại người đàn ông cũng phải từ bỏ quan niệm về vai trò duy nhất mình là trụ cột gia đình, từ bỏ tính gia trưởng. Mỗi người không phải lệ thuộc nhau về kinh tế mà vì nhau, nương tựa nhau trên tình chung thuỷ, nghĩa vợ – chồng.

4. Khắc phục vấn đề tình dục: Mỗi cá nhân phải nhận thức được ý nghĩa của vấn đề này trong hôn nhân. Các cặp vợ chồng đừng bao giờ đánh giá thấp những tín hiệu không tốt trong đời sống tình dục, và khi đã tìm ra gốc rễ của vấn đề thì giải quyết nó càng sớm càng tốt để góp phần bảo toàn hạnh phúc gia đình.

5. Nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân: Khi đã kết hôn, xây dựng gia đình, hai người đã ràng buộc nhau về mặt pháp lý thì người vợ, người chồng nên có trách nhiệm với nhau, với gia đình, với mái ấm mà mình gắn bó. Bởi đó là mối quan hệ, gia đình không chỉ của riêng mình, còn là của người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp nhìn vào.

Người chồng có thể là chỗ dựa về vật chất nhưng trong cuộc sống hôn nhân cần nhiều hơn là yếu tố tinh thần. Yêu thương và hạnh phúc không thể xây dựng và đến từ một phía.

Cuộc hôn nhân nào sẽ dễ rơi vào bế tắc nếu như hai người không thực hiện đúng vai trò của mình. Điều này chính là “lỗi nhịp” của tư duy vị trí, vai trò và mối quan hệ gia đình…

Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày nay đã vươn ra khỏi gia đình hòa vào xã hội với các công việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, tạo lập những vị trí nhất định để cùng người chồng xây dựng cơ ngơi sự nghiệp cho mái ấm của mình.

Vì vậy, đàn ông cần chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy con cái với người vợ. Mọi ứng xử của vợ chồng với nhau, với con cái, với quan hệ hai bên gia đình, với các mối quan hệ xã hội khác đều giúp cho chất lượng của hôn nhân được đảm bảo.

Để hạnh phúc, mỗi người cần hiểu một cách sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò của mình với người kia và với gia đình. Cách ứng xử, cách quan tâm, cách tôn trọng trong hôn nhân là những yếu tố quan trọng nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.