1. Cùng con giải quyết mọi vấn đề
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày con gái tôi học lớp 4. Khi ấy, con bé phải chuẩn bị một bài thuyết trình tại trường và hoàn toàn lo lắng vì bé chưa làm điều này bao giờ. Và chúng tôi đã luyện tập cùng nhau. Vào giờ tan trường của “ngày trọng đại” đó, con bé đã khoe với tôi rằng con chỉ “nói và nói rất thoải mái”, đến mức “cô giáo không hỏi con bất kỳ câu nào”.
Nghe có vẻ giống trong phim nhưng hai mẹ con tôi đã ôm nhau và cùng hát vang. Khi nhìn vào mắt con bé, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự hiện diện của phép màu. Tôi biết với sự giúp đỡ nhỏ bé của mình, con gái tôi đã cảm thấy tự tin hơn vào bản thân, và quan trọng hơn là con bé cảm nhận được tình yêu thương tôi dành cho nó.
2. Có kỷ niệm đặc biệt chỉ “cộp mác” bạn và con
Những khoảnh khắc đời thường sẽ phai dần theo năm tháng, và khi trẻ lớn lên, chúng sẽ không có ấn tượng sâu đậm. Vì thế, chỉ có những gì đặc biệt đáng nhớ mới đọng lại trong ký ức trẻ suốt cuộc đời. Đó có thể là một trận cười sảng khoái khi bạn đóng giả làm anh hề hay lắng nghe con tâm sự về rung động đầu đời với một bạn trai cùng lớp… Tất cả những khoảnh khắc đó con sẽ nhớ mãi và trân trọng như một báu vật.
3. Không tiếc những lời khen chừng mực
Khi ai đó khen bạn làm tốt, chắc chắn ngoài cảm giác sung sướng chúng ta còn muốn làm lại điều đó, thậm chí là tốt hơn cả lần trước. Đây không chỉ là cách hiệu quả để con bạn hiểu được giá trị bản thân, mà đó còn là một công cụ giao tiếp quan trọng.
Tôi có thể lấy ví dụ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chồng tôi thường khen ngợi tôi trong bất cứ việc gì và anh ấy không ngừng làm việc đó mỗi ngày: em thật chu đáo và ân cần, anh ấn tượng với sự tận tâm của em… Tôi cũng làm vậy với các con và điều đó dẫn đến một sự thay đổi rất tuyệt vời!
4. Tập trung vào những khía cạnh tích cực
Khi bé mắc lỗi, bạn hãy nghĩ những điều tốt mà con làm được và nói cho con biết. Sau đó, trước giờ đi ngủ, bạn mới chia sẻ và khuyên bảo chúng về lỗi sai đó. Việc lờ đi sai lầm của con một lát và uốn nắn dần dần là điều rất nên làm.
5. Luôn sẵn sàng lắng nghe
Tôi từng nghe bọn trẻ hỏi về khái niệm “THỜI GIAN”. Tất cả chúng ta đều bận rộn với công việc cơ quan cũng như việc nhà. Nhưng khi bạn nhận ra việc ở bên con hay cùng với những thành viên khác trò chuyện và chia sẻ, trẻ sẽ nhận ra những giây phút đó đáng quý như thế nào, và khi lớn lên, chúng sẽ biết trân trọng điều đó với gia đình mình.
Theo afamily