5 “bí kíp” giúp sinh viên tự tin nghiên cứu khoa học

GD&TĐ -Vũ Đình Hoàng, sinh viên năm 4 Khoa Luật ĐHQGHN, từng đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp Khoa, chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp để các bạn trẻ có thể nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả trên giảng đường.

5 “bí kíp” giúp sinh viên tự tin nghiên cứu khoa học

Mục tiêu trong sáng

Việc làm nghiên cứu phải bắt nguồn từ cái tâm sáng của người làm khoa học. Không vì mục đích vụ lợi, phải xuất phát từ mong muốn đóng góp cho xã hội những tri thức mình có và vì đam mê với nó. Có như vậy, khi gặp bất cứ khó khăn nào cũng dễ dàng vượt qua.

Làm khoa học trung thực

Làm khoa học phải trung thực. Điều này thể hiện từ việc trình bày, từ việc sử dụng câu chữ đến các trích dẫn tài liệu khoa học mà mình sử dụng. Nhất là việc ghi nguồn của các tài liệu tham khảo là việc làm trung thực đánh giá được công trình mình làm đến đâu, như thế nào?

Cân bằng các mối quan tâm

Làm khoa học phải chăm chỉ, cần cù và bỏ nhiều tâm sức vào công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, với sinh viên còn cần chú ý đến việc học, chính vì vậy phải đảm bảo cân bằng các mối quan tâm để tránh việc bị lệch lạc trong hoạt động. Vì điều quan trọng nhất với một người sinh viên vẫn là học tập.

Lắng nghe

Trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, việc quan trọng nhất chính là lắng nghe. Mỗi sinh viên phải có sự liên hệ tích cực và lắng nghe các thầy cô, tích cực phản biện để tìm ra được chân lý cho vấn đề mình đang quan tâm. Đừng bỏ qua bạn bè, vì các bạn là những nguồn tri thức dồi dào có thể giúp những người làm nghiên cứu khơi nguồn đề tài cho bản thân.

Sử dụng tối đa phương tiện của bản thân

Cần sử dụng đầy đủ, hiệu quả mọi phương tiện mà mình đang có để từ đó, phát huy tối đa khả năng và nguồn lực của bản thân để nghiên cứu. Ngày nay ta có rất nhiều công cụ hữu ích: Google, Google scholar, các mạng xã hội,… đây là những nguồn thông tin giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người làm nghiên cứu với nhau và giữa người làm nghiên cứu với tri thức nhân loại.

Đồng thời, cần tích cực đọc, đọc có trọng tâm, có hiệu quả. Đọc xong phải trả lời được câu hỏi đọc những tri thức đó sẽ giúp gì cho nghiên cứu để tránh việc đọc tràn lan, lãng phí thời gian quý báu, xét trên bình diện nghiên cứu chứ không phải tri thức trong các trang sách đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ