Những ngày cuối tháng 12/1972, cả thế giới kể cả những người Mỹ yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng lẽ phải, đã nín thở khi chứng kiến cuộc tập kích chiến lược của Không quân Mỹ bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau gần 10 năm trực tiếp mang quân xâm lược, thực trạng Mỹ bị sa lầy ở chiến trường miền Nam đã rõ ràng. Các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên toàn miền Bắc hoặc giới hạn ở vùng khu 4 cũ thất bại thảm hại vì đã không ngăn chặn được sự chi viện cho miền Nam.
Sau 3 năm vừa đánh vừa đàm, bản dự thảo Hiệp định Paris đã để sẵn trên bàn, Mỹ phải thừa nhận nước Việt Nam thống nhất, không vớt vát lại được gì, kể cả việc quân đội Việt Nam phải rút quân về miền Bắc đổi lại việc Mỹ phải rút quân về nước.
Cần đi một nước cuối cùng để hoặc là lật lại thế cờ, hoặc phải đặt bút ký vào bản hiệp định thừa nhận thất bại. Nước cờ đó là kế hoạch tuyệt mật Linebacker II. được Tổng thống Mỹ Nixon trực tiếp ký. Tiến hành cuộc tập kích Hà Nội bằng con chủ bài B.52, chính phủ Mỹ lúc đó muốn gì ? Muốn nhân dân Hà Nội và cả nhân dân Việt Nam sẽ hoảng sợ, sẽ nổi loạn, sẽ ép Chính phủ Việt Nam phải ký hiệp định Pari với những điều khoản có lợi cho Mỹ, để nước Mỹ có thể rút chân ra khỏi cuộc chiến trong danh dự.
Trận địa tên lửa SAM 2 sẵn sàng đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của không quân Mỹ-Ảnh tư liệu |
Trước cuộc đọ sức chiến lược.
Trong mọi dự báo chiến tranh, yếu tố đầu tiên làm căn cứ cho mọi nhận định là tiềm lực của mỗi bên. Chúng ta cũng lên thử một bảng so sánh. Phía Mỹ, bước vào cuộc đọ sức chiến lược, họ có gì? Trước hết Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt ngoại giao, quân sự và nhiều mặt khác.
Thứ hai nhưng lại quan trọng nhất là ưu thế về lực lượng không quân chiến lược với hàng loạt máy bay cường kích, tiêm kích, không người lái, tàng hình hiện đại, nhiều loại đến nay còn chưa lạc hậu. Hạt nhân của các hung thần trên không ấy là siêu pháo đài bay B.52 đã được bố trí dày đặc trên các sân bay chiến lược bao quanh Việt Nam.
Mỗi chiếc B.52 có sức chở 30 tấn bom, tương đương với 108 quả 500 pound (227kg), chỉ trong một lần dàn đội hình oanh tạc có thể tạo ra một bãi bom rộng 400m, dài 1.000m. Mọi thứ bên trong “hình chữ nhật chết” này sẽ là bình địa. Máy bay B. 52 có thể chống được hầu hết các loại máy bay MIG 17, MIG 21 và nhiều loại vũ khí do Liên Xô sản xuất lúc ấy trong đó có tên lửa SAM-2 mà quân đội Việt Nam được trang bị.
Trên chiến trường Việt Nam, máy bay B.52 đã được thử nghiệm nhiều lần, ở nhiều địa bàn khác nhau, cả miền Bắc và miền Nam và những lần như vậy nó đều mang về những thông tin lạc quan. Để tiến hành chiến dịch này, Mỹ huy động một nửa số máy bay chiến lược B.52 hiện có (197/400 chiếc) và 1.077 máy bay các loại từ 3 căn cứ không quân và 6 tàu sân bay. Ngoài ra, Mỹ còn có hàng trăm tàu chiến các loại bố trí ở ngoài khơi Việt Nam.
Mừng chiến thắng bên xác B.52 bị bắn rơi |
Về phía Việt Nam, chúng ta có khoảng gần 1.000 tên lửa SAM-2 trong đó có 300 quả phải phục hồi để dùng lại và hệ thống ra đa phòng không đã khá lạc hậu, nhiều giàn bị hư hỏng. Cả hai loạị khí tài này, Mỹ đã biết tường tận về tính năng kỹ thuật qua con đường nghiên cứu các chiến lợi phẩm còn nguyên vẹn Israel thu được trong các cuộc chiến tranh với thế giới Ả-rập và đã có khí tài chống lại.
Tất cả những dữ liệu đó đều đã được đặt trên bàn tổng thống Mỹ và mạng lưới máy tính của chóp bu quân đội Mỹ.
Nhưng khi B.52 cất cánh từ các sân bay quân sự cách ta 6 giờ bay, các chiến sĩ pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, lái máy bay đã ngồi vào vị trí sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Từ những tư liệu, người ta mới biết chứng tỏ trận thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội năm đó không phải là trận thắng hú họa, trận thắng ăn may. Đó là kết quả của rất nhiều năm nghiên cứu kẻ địch, nghiên cứu cách đánh, khổ luyện lập công của hàng nghìn con người, hình thành một thế trận giăng sẵn, đưa giặc vào thế chắc thua, như trận chiến sông Bạch Đằng, trận Chi Lăng, trận Ngọc Hồi-Đống Đa, trận Điện Biên Phủ… và vài năm sau đó, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhưng quan trọng không kém, Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng. Chỉ trong một đêm, hơn nửa triệu người Hà Nội đã sơ tán, hàng vạn người khác lên các vị trí chiến đấu bằng tất cả những vũ khí có trong tay. Hà Nội vẫn sáng đèn. Các điểm vui chơi vẫn mở cửa. Đài phát thanh vẫn phát nhạc. Nhiều hoạt động đón tết vẫn diễn ra, Nhưng Hà Nội từ đêm 17/12/1972 đã trở thành “thiên la địa võng”, thành “lưới lửa” của lòng căm thù, thành tượng đài “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong thời cả nước chống Mỹ.
Và cái gì phải đến đã đến
Trong cơn giãy giụa điên cuồng và tuyệt vọng, Lầu Năm góc cay cú trút bom xuống Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển ở nội thành, xuống Uy Lỗ, Cổ Loa, Yên Viên huyện Đông Anh của Hà Nội và nhiều điểm, nhiều thành phố khác.
Trong số 100.000 tấn bom ném xuống Việt Nam trong chiến dịch này, Mỹ đã rải xuống Hà Nội trên 40.000 tấn, bằng sức công phá của 2 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hirosima. 1.318 người Hà Nội đã chết, hơn 1 nghìn người khác bị thương, 2.000 ngôi nhà bị tàn phá. Riêng khu phố Khâm Thiên, 278 người bị giết (40 cụ già, 55 em nhỏ, 91 phụ nữ). Ở bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân và bác sĩ chết bên nhau trong phòng cấp cứu.
Trước đau thương, Hà Nội cùng cả nước đã cất tiếng trả lời. Cùng với tên lửa, bộ đội phòng không và nhân dân Hà Nội, Hải Phòng đã trút vào đầu giặc 2.036 viên đạn pháo 100mm, 15.669 viên đạn pháo 57mm, 19.454 viên đạn pháo 37mm, 1.147 viên đạn 14,5mm, chiếm 66% kho đạn của 2 thành phố và hàng vạn viên đạn súng bộ binh khác. Lưới lửa mặt đất này, tuy không với tới được B.52 nhưng đã khiến đội hình của địch rối loạn để máy bay, tên lửa tiếp cận, bắn rụng B.52.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu gan dạ, dũng cảm đó, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B.52 các loại, 16 chiếc rơi tại chỗ, giết và bắt sống nhiều giặc lái. Trong những máy bay B.52 bị bắn rơi tại chỗ, có chiếc đã rơi xuống ao làng Hữu Tiệp, ngẫu nhiên làm đẹp thêm truyền thống hoa Ngọc Hà của Hà Nội.
Thường trong mọi cuộc chiến, trận chiến ở Thủ đô của nước bị xâm lược có ý nghĩa quyết định thắng thua, lịch sử từ cổ chí kim trên thế giới ghi nhận như vậy và lịch sử Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đúc rút được qui luật đó sau khi nghiên cứu kỹ rất nhiều cuộc chiến tranh, từ thời cổ đại tới thời hiện đại, từ năm 1968, Bác Hồ đã từng nhận định, ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Xác máy bay B.52 bị bắn rơi trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt |
Chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” đã chứng tỏ sự phán đoán thiên tài của Người. Nó đã buộc Mỹ bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, buộc phải ký hiệp định Paris công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Với hiệp định này, ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để hơn 2 năm sau, tiến tới “đánh cho ngụy nhào” theo chỉ thị của Bác Hồ, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, đưa non sông ta tới ngày nay.
Thoắt đấy, trận thắng lịch sử đã lùi xa 40 năm. Quan hệ Việt-Mỹ đã khác trước. Nhiều phi công B.52 bị bắn rơi và bị bắt sống trên bầu trời Hà Nội giờ đã trở thành những chính trị gia có thế lực, góp tiếng nói quan trọng nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã làm những việc thiết thực, giàu tình nghĩa để hàn gắn vết thương một thời.
Nhắc đến trận “Điện Biên Phủ trên không” vào dịp này, so với 40 năm trước đây, cũng có cái giống và cũng có cái khác. Giống là chỗ đó là dịp để thêm một lần khẳng định sức mạnh của dân tộc, truyền thống đánh giặc hào hùng và niềm tin vào chiến thắng. Khác là không phải để khoét sâu hơn nữa lòng thù hận mà để cùng nhau rút ra những kinh nghiệm lịch sử, tránh lặp lại những bài học đau xót trong tương lai cùng sánh bước lâu dài trên con đường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Người Việt Nam luôn lấy tình nghĩa làm trọng, mọi căm thù đều có thể được tha thứ, được gác lại một bên, chỉ tình nghĩa, sự thông cảm, đồng cảm là bền vững.
Có thể thấy tinh thần ấy trong những câu nói của một số nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người từng đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là Hồ Chí Minh trong thư gửi một người mẹ Pháp năm 1946, trên chiếc tàu từ Pháp trở về sau cuộc hòa đàm vãn hồi hòa bình thất bại và trước thềm cuộc chiến tranh với Chính phủ Pháp hồi đó: “Phải chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quí như nhau”.
Đó là Lê Duẩn trong lá thư gửi Trung ương Cục miền Nam, viết năm 1972: “Tất cả những ai thấy được tội lỗi, đoạn tuyệt với quá khứ, quay về với đường ngay lẽ phải, đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc. Chính sách của chúng ta là lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không báo oán, trả thù”.
Đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt : “Nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra được sức mạnh ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do thù hận vì bại, kiêu vì thắng thì có ích gì…”
Tiếc rằng những tư tưởng nhân ái ấy, thái độ cư xử hòa bình ấy ngay đến hiện nay vẫn bị một số người cố tình xuyên tạc, che khuất. Và mỗi lần nhắc đến trận “Điện Biên Phủ trên không” hay rất nhiều chiến thắng khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên rằng sao những bài học nhãn tiền ấy không đủ thức tỉnh những kẻ còn ôm mộng xâm lược, bành trướng. Đâu chỉ tiền nhiều, người đông, vũ khí mạnh là thắng. Chiến thắng B.52, 40 năm trước, chiến thắng Điện Biên Phủ 58 năm trước, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa 223 năm trước… và rất nhiều mốc son khác trong lịch sử đã chứng minh điều đó.
Nếu những người chủ quan, coi thường lòng yêu nước của người Việt Nam có dịp đến đảo Lý Sơn, một quần đảo đã từng đóng góp nhiều người trong các đội thuyền khai thác, quản lý Hoàng Sa, Trường Sa hàng thế kỷ trước sẽ bắt gặp những ngôi mộ gió (mộ tượng trưng không hài cốt), lễ hội tế sống người lên đường tới đảo xa chắc sẽ thấm thía hơn điều này chăng.
Theo VGP News