Súng trường M-1
Súng trường M-1 Garand cùng băng đạn. Ảnh: Military.com |
Khi Thế chiến II nổ ra, quân đội Mỹ vẫn sử dụng loại súng trường kém linh hoạt. Sau đó, khẩu M-1 Garand được đưa vào sử dụng với cơ chế bắn bán tự động, giúp viên đạn bay xa hơn cùng tốc độ bắn lớn hơn. Khẩu súng này được trang bị cho bộ binh Mỹ vào đầu thập niên 1940 và nhanh chóng tạo ra bước đột phá, National Interest đưa tin.
Trên thực tế, M-1 được coi là cứu cánh của lính Mỹ khi họ phải đối đầu với quân đội Đức được trang bị loại súng máy MG-42 cực kỳ uy lực. Điểm mạnh của M-1 là độ tinh cậy cao cùng phạm vi tiêu diệt mục tiêu xa hơn, giúp lính Mỹ giành được lợi thế trước kẻ thù.
Khẩu M-1 dài 1,1 m và nặng từ 4,31 tới 5,3 kg. M-1 bắn loại đạn kích thước 7,62 x 63 mm hoặc đạn 7,62 x 51 mm, có khả năng bắn với tốc độ 50 viên/phút cùng tầm bắn hiệu quả đạt 450 m. Vận tốc đạn rời nòng đạt khoảng 853 m/s với băng đạn có 8 viên. Người ta chế tạo khoảng 6,25 triệu khẩu súng loại này.
Tàu sân bay lớp Essex
Tàu sân bay USS Philippine Sea của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Trong Thế chiến II, mặt trận Thái Bình Dương là chiến trường khốc liệt giữa Hải quân Mỹ và Nhật, nơi các bên đưa những kỳ quan công nghệ đóng tàu ra chiến trường. Xương sống trong các hạm đội của Mỹ thời điểm này là hàng không mẫu hạm lớp Essex, có khả năng chở 100 máy bay bao gồm máy bay chiến đấu, ném bom và thả ngư lôi.
Hàng không mẫu hạm lớp Essex dài 250 m với tải trọng choán nước tối đa đạt 34.000 tấn. Tàu sử dụng các động cơ 150.000 mã lực, cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 60 km/h và phạm vi lên tới 37.000 km với vận tốc 28 km/h. Mỹ lên kế hoạch chế tạo 32 tàu loại này nhưng chỉ hoàn thành 24 chiếc.
Sở hữu trang thiết bị hiện đại cùng nhiều công nghệ vượt trội, tàu sân bay lớp Essex giúp Hải quân Mỹ giành nhiều lợi thế trước hạm đội Nhật Bản trong các trận chiến ở Biển Philippines và Vịnh Leyte. Sau khi kết thúc Thế chiến II, Mỹ tiếp tục sử dụng hàng không mẫu hạm lớp này trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên.
Mô phỏng tàu ngầm lớp GATO của Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa: Military.com |
Tàu sân bay và thiết giáp hạm của Mỹ có khả năng đánh bại đội tàu Nhật nhưng 55% chiến công do hạm đội tàu ngầm của Mỹ lập nên. Vào năm cuối Thế chiến II, tàu ngầm Mỹ đã chặn tất cả các tuyến giao thông huyết mạch trên biển của Nhật Bản, ngăn đế quốc này vận chuyển nguyên liệu và thực phẩm.
Thắng lợi này của Mỹ dựa phần nhiều vào tàu ngầm lớp Gato, xương sống trong các hạm đội ngầm. Do khả năng chống ngầm của các tàu Nhật Bản rất yếu nên tàu ngầm Mỹ thoải mái hoạt động trên các vùng biển mà không sợ bị đánh đắm. Trong khi đó, tàu ngầm U-boat của Đức thảm bại trước khả năng chống ngầm của các tàu phe đồng minh.
Tàu ngầm lớp Gato có tải trọng choán nước đạt 2.424 tấn khi lặn. Tàu có chiều dài 95 m, đường kính 8,31 m. Các tàu có khả năng di chuyển với vận tốc 39 km/h khi nổi và 17 km/h khi lặn. Tầm hoạt động của các tàu lớp này đạt 20.000 km với vận tốc 17 km/h. Mỹ chế tạo 77 chiếc Gato nhưng bị đánh chìm 20 chiếc trong các cuộc giao tranh.
Bom nguyên tử
Bom nguyên tử Fat Man của Mỹ. Ảnh: USAF |
Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất sử dụng bom nguyên tử để tấn công kẻ thù. Trong năm 1945, máy bay ném bom Mỹ đã thả hai quả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, khiến hai thành phố biến dạng hoàn toàn chỉ trong vài giây, gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người.
Ngày 6/8/1945, máy bay Mỹ thả quả bom mang tên Little Boy xuống thành phố Hiroshima, khiến khoảng 90.000 tới 160.000 người thiệt mạng. Ba ngày sau, quả bom thứ hai mang tên Fat Man nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki, giết chết khoảng 60.000 đến 80.000 người. Tính tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là hai quả bom nguyên tử duy nhất được dùng để chống lại loài người.
Dù nước Mỹ nói rằng hai vụ nổ bom nguyên tử là cần thiết để Nhật Bản đầu hàng nhưng dư luận nước Nhật lại khẳng định hành động này là vô ích và chống lại người dân vì Tokyo đã thất bại trên phần lớn các mặt trận và phần lớn những người thiệt mạng đều là thường dân.