Một gia đình có 3 thế hệ gồm ông bà, bố mẹ và con cái chung sống đôi lúc vẫn gặp phải những tình huống khó xử hoặc hiểu lầm nhau do cách sử xự không mấy khéo léo của các cặp vợ chồng trẻ khiến ông bà tự ái, buồn lòng.
15 năm sống chung với bố mẹ chồng, chị Hoài Phương (Ba Đình, Hà Nội) bảo, bên cạnh những bất tiện trong sinh hoạt vì gia đình đồng người thì vợ chồng chị cũng phải chú ý tới cả lời ăn, tiếng nói và các dạy con để giữ không khí gia đình luôn êm ấm. Trong đó, có 4 việc dưới đây mà chị Phương cho rằng, các cặp vợ chồng cần tuyệt đối tránh làm trước mặt ông bà.
1. Không nên đánh mắng con trước mặt ông bà
Khi bố mẹ quát mắng, đánh con trước mặt ông bà, có thể khiến ông bà tự nghĩ rằng "chúng nó đánh con để chỉ trích ông bà" hay "chúng nó coi thường ông bà"...
Có trường hợp, ông bà cảm thấy bất bình ngay lập tức và mắng bố mẹ té tát, đẩy mâu thuẫn gia đình lên cao. Dù rơi vào trường hợp nào, bố mẹ cũng nên cân nhắc việc dạy con trước mặt ông bà vì người già hay cả nghĩ, sẽ khó có thể chấp nhận khi thấy cháu nội (ngoại) yêu quý của mình bị mắng, bị đòn dù cháu thực sự có lỗi.
Bố mẹ hãy kiềm chế, khéo léo chọn thời điểm phù hợp đưa con lên phòng riêng để dạy dỗ, nhắc nhở.
2. Không nên to tiếng trước mặt ông bà
Ông bà nào cũng mong muốn vợ chồng con mình sống hòa thuận, hạnh phúc. Vì thế, khi thấy các con to tiếng thì đều rất buồn lòng.
Nhiều người biện minh rằng, do nhà chật nên khi vợ chồng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" thì tránh sao việc mọi người biết chuyện nhưng trong những tình huống như thế này, vợ chồng nên "đóng cửa bảo nhau" để không ảnh hưởng đến tinh thần của ông bà lớn tuổi.
Khi nhiều thế hệ cùng chung sống, mỗi thành viên phải chú ý trong cách cư xử và ăn nói.Ảnh minh họa: BKZ. |
3. Không nên than vãn chuyện tiền bạc trước mặt ông bà
Kinh tế luôn là vấn đề nhạy cảm khi gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Ông bà đã nghỉ làm việc, thu nhập chủ yếu là lương hưu chỉ có tiền lương hưu (hoặc không có).
Nhiều cặp vợ chồng do gặp phải khó khăn, giảm thu nhập nên khi thường xuyên chồng mắng vợ, vợ cằn nhằn chồng về chuyện tiền bạc, chi tiêu khiến ông bà nghe xong cảm thấy bị tổn thương và tủi thân.
Thậm chí, một số ông bà còn cảm thấy bất lực vì không thể giúp các con rồi tự nghĩ mình là gánh nặng của gia đình... Vậy nên các cặp vợ chồng hãy tế nhị trong việc bàn bạc chi tiêu tiền bạc trước mặt ông bà để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
4. Không nên tự ý bỏ các đồ vật cũ của ông bà
Người già hay hoài niệm về tuổi trẻ nên thích giữ lại những vật kỷ niệm gắn liền với những năm tháng đáng nhớ. Hoặc người già bản tính hay nhặt nhạnh, tiết kiệm và ki cóp nên cũng thường thu gom chai nhựa, túi nilon… để có dịp đem ra dùng.
Thói quen này có thể làm cho nhà cửa chật chội, bừa bộn nhưng không nên vì thế mà tự ý bỏ đi các món đồ của ông bà. Khi dọn dẹp nhà cửa, vợ chồng cũng nên xin ý kiến của ông bà để thu dọn hoặc bỏ bớt các đồ không cần thiết đi, tránh trường hợp ông bà phật ý và cho rằng mình không được tôn trọng, không có được một không gian riêng.