Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga dự cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQG TP HCM dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG TPHCM - cho biết: Năm 1995, ĐHQG TPHCM thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập 9 trường ĐH khác tại TP HCM. Sau 20 năm xây dựng -phát triển - hội nhập, ĐHQG TPHCM đã trở thành một hệ thống giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất ở phía Nam, tọa lạc trên diện tích 643,7 ha gồm 6 trường ĐH, một viện thành viên và 29 khoa, trung tâm, viện trực thuộc với 5.662 cán bộ, GV.
Trong đó có 3.413 giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ từ thạc sĩ trở lên, đào tạo trên 60.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Mỗi năm ĐHQG TPHCM cung cấp cho xã hội hơn 10.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia vui và chúc mừng một chặng đường phát triển vượt bậc của ĐHQG TPHCM. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước gửi đến các GS, NGND, NGƯT, cán bộ, GV ĐHQG TPHCM lời chúc nồng nhiệt và những tình cảm tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước cho rằng chính từ chủ trương đúng đắn của Đảng trong việc “Xây dựng 2 ĐHQG ( ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM) thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần dần đạt trình độ quốc tế”, đến nay, sau 20 năm xây dựng - phát triển - hội nhập đã biến ĐHQG TPHCM thành một tổ hợp ĐH hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực.
Hiện nay, ngành Giáo dục đào tạo cả nước với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của toàn xã hội nỗ lực cùng nhau thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Là một trường ĐH trọng điểm của cả nước, ĐHQG TPHCM cần phải đi đầu, thực hiện sáng tạo có hiệu qủa cao các mục tiêu, các giải pháp, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương đề ra, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của cả nước.
Để đạt được mục tiêu ấy, Chủ tịch nước đề nghị trong những năm tới ĐHQG TPHCM cần tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Trung ương đề ra cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐHQG TPHCM phải rà soát, bổ sung và xác định rõ mục tiêu giáo dục đào tạo của mình, quyết tâm phấn đấu 10 - 15 năm tới không chỉ khẳng định được vai trò hàng đầu trong hệ thống đào tạo ĐH nước nhà mà còn vươn tới ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ hai, ĐHQG TPHCM cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, thi cử, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại. Phát huy mạnh mẽ tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong khả năng tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ.
Đồng thời phải hết sức coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm xã hội cho các hế hệ sinh viên. Phát triển hài hòa cả đức và trí thể mỹ, dạy chữ, dạy người, dạy nghề cho người học như Nghị quyết Trung ương đề ra.
Thứ ba, Chủ tịch nước mong muốn ĐHQG TPHCM phải đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Phải đồng thời trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước về lĩnh vực đào tạo mà ĐHQG TPHCM có thế mạnh.
Cụ thể, trong những năm tới ĐHQG TPHCM cần có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu góp phần giải quyết những vấn đề to lớn do thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra. Có nhiều bài viết, kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.
Cuối cùng việc xây dựng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người, say sưa với công tác nghiên cứu khoa học là điều mà ĐHQG TPHCM cần phải xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng lưu ý ĐHQG TPHCM cần phải xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Tạo cơ chế để động viên khuyến khích được thầy cô giáo, cán bộ quản lý yên tâm, tận tâm, tận tụy và sáng tạo trong làm việc.