4 lưu ý giúp đổi mới kiểm tra đánh giá tiếp cận năng lực

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực là một yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng được mục tiêu đổi mới.

4 lưu ý giúp đổi mới kiểm tra đánh giá tiếp cận năng lực

Khẳng định điều này, TS Nguyễn Thị Kim Dung đã đề xuất các giải pháp thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận, thực tiễn và những suy nghĩ, mong muốn của người làm công tác giảng dạy.

Nâng cao nhận thức

Giải pháp đầu tiên TS Dung đưa ra là nâng cao nhận thức của giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về lý luận và thực tiễn trên thế giới về kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực và tầm ảnh hưởng của vấn đề này đến chất lượng giáo dục của toàn hệ thống.

Để làm tốt việc này, TS Dung cho rằng, nên có sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các trung tâm, viện nghiên cứu về đo lường, đánh giá trong giáo dục để tổ chức các khóa học bồi dưỡng về lý luận và thực tiễn cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Dù trong những năm gần đây, việc này cũng đã được thực hiện nhưng còn hạn chế, chỉ tập trung vào một số cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, đánh giá, chưa phổ biến tới giảng viên và giáo viên các trường phổ thông.

Tạo điều kiện giáo viên áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá

Giải pháp thứ hai là tăng cường tập huấn giảng viên (giáo viên) về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận năng lực bao gồm các kỹ thuật, phương pháp, hình thức đánh giá theo hướng đổi mới.

Các cơ sở giáo dục đào tạo nên khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để giáo viên áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá như trắc nghiệm, tự luận, dự án, bài tập nhóm, báo cáo về các sản phẩm nghiên cứu thực tiễn…

Kết hợp đổi mới phương pháp dạy học

Đổi mới kiểm tra, đánh giá phải được kết hợp với đổi mới phương pháp dạy và học. Bản thân mỗi giảng viên, giáo viên phải nỗ lực không ngừng trong quá trình dạy học; đầu tư thời gian, công sức để thiết kế được các tiết học, bài kiểm tra, đánh giá theo hướng đổi mới, đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là vì sự tiến bộ của người học.

Thiết kế chương trình đào tạo hướng tới mục tiêu hình thành năng lực

TS Dung cũng lưu ý đến việc thiết kế lại chương trình đào tạo chú trọng đến mục tiêu hình thành năng lực cho người học, không quá chú trọng vào mục tiêu kiến thức.

Khi đó, người dạy sẽ tập trung vào việc tổ chức các hoạt động dạy học và đánh giá người học thay vì tập trung quá nhiều thời gian cho việc truyền thụ tri thức. Những tri thức đó, người học có thể tự tìm hiểu thông qua các phương tiện khác như tài liệu tham khảo, giáo trình, internet, băng hình…

Kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực được hiểu là việc kiểm tra, đánh giá chú trọng vào năng lực của người học (năng lực tư duy sáng tạp, năng lực vận dụng và giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống).

Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện dưới nhiều phương pháp khác nhau, tập trung đánh giá năng lực hành động, vận dụng thực tiễn, năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực phát triển bản thân…

Bên cạnh đó, sử dụng các phương pháp phi truyền thống như quan sát, phỏng vấn sâu, hội thảo, nhật ký người học, hồ sơ học tập, bài tập lớn, đánh giá thực hành (bao gồm tập hợp bài tập và các sản phẩm…), học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau. Chú trọng đánh giá tư duy sáng tạo, bậc cao, vận dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ